Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc

Vì sao stress là một thách thức chung và có thể làm gì để cải thiện

Kỷ niệm ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc, Bà Valentia Forastieri chuyên gia cao cấp về sức khỏe lao động, tăng cường sức khỏe và hạnh phúc của ILO, tóm tắt kết quả của các nghiên cứu mới nhất về ảnh hưởng của stress tại nơi làm việc.

Tin | Ngày 28 tháng 4 năm 2016
Bà Valentina Forastieri, ILO chuyên gia an toàn và sức khỏe lao động
Mối quan hệ giữa stress và sự suy sụp sức khỏe tinh thần đã được làm rõ. Trong ấn phẩm mới đây của ILO, Stress tại nơi làm việc: Một thách thức chung, nhóm An toàn và Sức khỏe lao động đã đánh giá các nghiên cứu gần đây nhất về stress tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu. Chúng tôi đi đến kết luận rằng stress gây thiệt hại hàng tỷ đô-la một cách mỗi năm trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Con số đó còn chưa thể tính hết những đến cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Áp lực công việc ngày càng lớn

Chúng ta thường được nghe rằng con người đang sống trong thời kỳ công việc ngày càng căng thẳng nhưng thực tế thì như thế nào?

Bắt đầu từ toàn cầu hóa, quá trình cạnh tranh trên toàn cầu đã thay đổi cách thức tổ chức hoạt động, mối quan hệ lao động và quan hệ công việc, đóng góp vào sự gia tăng của căng thẳng công việc và những rối loạn tâm lý liên quan. Với nhịp độ của công việc bị chi phối bởi các phương tiện liên lạc ở khắp mọi lúc, mọi nơi và cạnh tranh toàn cầu gắt gao, ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư trở nên khó nhận ra. Sự cân bằng giữa hai thái cực ngày càng khó đạt được.

Và hiện tượng trên đang ảnh hưởng tới toàn cầu.

Ví dụ, chúng tôi biết một nghiên cứu tại Nhật Bản ghi nhận có 32,4% người lao động có triệu chứng của lo âu, suy nghĩ và stress từ công việc trong năm ngoái. Tại Chile, số liệu trong năm 2011 chỉ ra 27,9% người lao động và 13,8% người sử dụng lao động báo cáo rằng căng thẳng và trầm cảm hiện hữu trong doanh nghiệp của họ. Những con số tương tự cũng được tìm thấy tại các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu buộc doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo tính cạnh trạnh. Điều này dẫn đến tăng cường tái cơ cấu, tinh giản biên chế, sáp nhập, sử dụng biện pháp thuê ngoài và phụ thầu, công việc bấp bênh, nguy cơ sa thải hàng loạt cao, thất nghiệp, nghèo đói và bị tách biệt khỏi xã hội.

Những cách làm đó là nguồn gốc của khái niệm mà chúng tôi gọi là "mối nguy hiểm tâm lý". Trong môi trường công việc, chúng tăng sự cạnh tranh, yêu cầu công việc cao hơn, nhịp độ làm việc nhanh hơn và áp lực hơn, làm việc ngoài giờ và thời giờ làm việc kéo dài, gia tăng đòi hỏi của công việc và sự bất ổn, thiếu sự quản lý về nội dung và tổ chức công việc, giảm cơ hội việc làm. Thêm vào đó là lo lắng bị mất việc, giảm động lực của nhân viện, giảm độ hài lòng trong công việc cũng như tính sáng tạo và khả năng ổn định tài chính. Điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người lao động và thiệt hại tài chính nặng nề.

Hiện tại người ta mới bắt đầu định lượng hóa những cái giá trực tiếp và gián tiếp của stress trong công việc. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã đánh giá hậu quả kinh tế của stress liên quan đến công việc, các dấu hiệu về hành vi và rối loạn tâm thần đi kèm. Ví dụ, tại châu Âu, ước tính thiệt hại từ trầm cảm do công việc là 617 tỷ euro mỗi năm, trong đó bao gồm chi phí cho chủ sử dụng lao động do người lao động vắng mặt và đi làm khi đang bị ốm (272 tỷ), giảm năng suất (242 tỷ), chi phí y tế (63 tỷ) và bảo hiểm xã hội dưới dạng trợ cấp khuyết tật (39 tỷ).

Giảm thiểu gánh nặng

Chúng ta có những giải pháp gì để giảm gánh nặng mà căng thẳng liên quan đến công việc gây ra cho xã hội và doanh nghiệp?

Dưới đây là 5 cách làm chúng tôi tin có thể đem lại tác động sâu rộng:
  • Tập trung giải quyết: Nhận thức về vấn đề này đang ngày một phát triển. Tại nhiều nước, các nhà hoạch định chính sách và đối tác xã hội đã bắt đầu đưa ra những can thiệp cụ thể nhằm giải quyết những mối nguy hiểm tâm lý – nguyên nhân dẫn đến căng thẳng công việc. Các đối tác xã hội tích cực hoạt động, các chiến dịch tăng cường hiểu biết đã tăng lên nhanh chóng và nhiều mạng lưới nghiên cứu và chuyên gia cũng đã bắt đầu vào cuộc
  • Phòng ngừa: Việc bảo vệ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc sẽ hiệu quả hơn khi tập trung vào chiến lược phòng ngừa. Việc xử lý nguồn gốc và hệ quả của stress trong công việc kết hợp với các biện pháp tập thể và cá nhân là hết sức quan trọng.
  • Lồng ghép: Tăng cường cơ hội tham gia vào quá trình quyết định thường song hành cùng sự hài lòng trong công việc và cảm giác tự hào về bản thân. Trong dài hạn, tự chủ trong công việc dù chỉ là một phần nhỏ cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và năng suất của người lao động. Tham gia vào quá trình quyết định tại nơi làm việc giúp cân bằng ảnh hưởng của các mối nguy hiểm tâm lý như đòi hỏi về công việc và từ đó giảm căng thẳng tâm lý.
  • Quản lý: Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động (ATSKLĐ) toàn diện sẽ đảm bảo việc cải thiện cách phòng ngừa và kết hợp biện pháp nâng cao sức khỏe. Hệ thống cần phải đưa các rủi ro tâm lý vào quá trình đánh giá rủi ro và tìm ra giải pháp với mục tiêu quản lý hiệu quả tác động của rủi ro tâm lý như các rủi ro khác trong ATSKLĐ. Sự tham gia của người lao động ở quá trình này là rất quan trọng.
  • Văn hóa tổ chức: Kinh nghiệm của ILO chỉ ra tầm quan trọng của môi trường xã hội trong việc hình thành các hành vi tại nơi làm việc và coi trọng chúng; chính sách nhân sự đóng vai trò trong việc bảo đảm mối quan hệ công việc dựa trên sự tin tưởng, tính xác thực và hợp tác.
Ngày nay, người lao động trên toàn thế giới đang đối mặt với những thay đổi đáng kể trong tổ chức công việc và quan hệ lao động; Họ chịu áp lực ngày càng lớn để đáp ứng yêu cầu công việc trong cuộc sống hiện đại. Vì sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống, chúng ta phải tiếp tục chung tay giảm thiểu tác động của stress tại nơi làm việc.