Lao động di cư

Tọa đàm báo chí về lao động di cư an toàn

Buổi tọa đàm nhằm mục đích thúc đẩy di cư an toàn thông qua việc chia xẻ kinh nghiệm và kỹ năng đưa tin và viết bài về vấn đề quan trọng này.

Tin | Ngày 04 tháng 8 năm 2014
ĐỒNG HỚI, QUẢNG BÌNH – Hơn 30 phóng viên báo chí từ mọi miền Việt Nam hôm nay đã cùng bàn luận về lao động di cư tại buổi tọa đàm do ILO và Hội Nhà báo Việt Nam đồng tổ chức tại tỉnh Quảng Bình.

Diễn ra trong 2 ngày, buổi tọa đàm nhằm mục đích thúc đẩy di cư an toàn thông qua việc chia xẻ kinh nghiệm và kỹ năng đưa tin và viết bài về vấn đề quan trọng này.

Đề cao vai trò ngày càng quan trọng của báo chí trong xã hội hiện đại, bao gồm các vấn đề về lao động di cư, nhưng ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thương trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng báo chí cũng có thể là con dao hai lưỡi.

“Báo chí có thể là chất xúc tác tốt nếu các vấn đề về lao động di cư được truyền thông có kỹ năng. Tuy nhiên, báo chí cũng có thể làm vấn đề bị hiểu sai, ảnh hưởng đến nhà nước, chủ sử dụng lao động cũng như người lao động.”

Phóng viên Nguyễn Thu Uyên, báo Công an Nhân dân, cho biết chị hy vọng sẽ có thêm những kiến thức, kỹ năng hữu ích khi viết bài về lao động di cư, trong khi một số nhà báo khác mong muốn sẽ củng cố thêm mạng lưới nghề nghiệp của mình sau buổi tọa đàm này.

Những vấn đề chủ yếu được đưa ra thảo luận tại hội thảo bao gồm bảo hiểm xã hội cho lao động di cư, tình trạng phân biệt đối xử và bóc lột đối với nhóm này, và cách sử dụng những thuật ngữ một cách chính xác liên quan đến loại hình lao động này. Buổi tọa đàm cũng là diễn đàn trao các đổi các vấn đề về quyền của lao động di cư trong pháp luật quốc tế và cơ chế khiếu nại cho lao động di cư.

Sau Giải thưởng Báo chí về Lao động và Việc làm, “Tọa đàm báo chí về Lao động di cư an toàn” là hoạt động thứ hai trong năm được ILO và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm đề cao vai trò của báo chí và tăng cường các kỹ năng đưa tin các vấn đề liên quan đến lao động việc làm.