Di cư an toàn

Thiếu hiểu biết khiến lao động di cư gặp rủi ro: ILO

Một hoạt động tổ chức tại vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện để những lao động di cư tương lai tìm hiều về để đi làm việc ở nước ngoài an toàn.

Tin | Ngày 06 tháng 1 năm 2014
 
QUẢNG NGÃI – Ngày 4/1 vừa qua, các thanh niên huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi – nơi những kiến thức về di cư an toàn còn hạn chế -- có cơ hội thảo luận với đại diện chính quyền địa phương và những lao động di cư đã trở về.

Do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và MTV EXIT (Chấm dứt buôn bán người và bóc lột lao động) phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Chương trình viện trợ của Chính phủ Austrialia và Cơ quan viện trợ phát triển của Hoa Kỳ, hoạt động này thu hút hơn 200 thanh niên địa phương.

Huyện Sơn Hà là một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, với dân số gần 71.000 người, trong đó 85% là người dân tộc H’re.

Từ năm 2009 đến 2013, toàn huyện đưa gần 400 lao động đi làm việc ngoài nước, chủ yếu đến Malaysia. Trong giai đoạn này, số tiền người lao động gửi về cho gia đình khoảng 17,7 tỷ đồng.
Ông Lữ Đình Ngô, Phó phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sơn Hà cho biết: “Đây là một nguồn giảm nghèo cho địa phương”. Theo ông, phần lớn lao động làm việc tại thị trường Malaysia có mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng, “một mức mà họ khó có thể kiếm được nếu ở nhà”.

Khoảng một phần tư người lao động di cư trở về nước trước thời hạn.

Đinh Văn Trí, một lao động đã trở về từ Malaysia, tâm sự rằng các vấn đề về sức khỏe và rào cản ngôn ngữ khiến những tháng đầu tiên ở nước bạn “thực sự khó khăn”.

Theo báo cáo số liệu từ điều tra khảo sát ban đầu của Dự án Hành động ba bên nhằm bảo vệ người lao động di cư trong và từ khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tránh khỏi sự bóc lột lao động của ILO (ILO GMS TRIANGLE) thực hiện năm 2011, không một người lao động nào từ Thanh Hoá và Quảng Ngãi (bao gồm Huyện Sơn Hà) có dự định đi làm việc ở nước ngoài biết được thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc ở nước ngoài cũng như các quy định của Chính phủ về tiền dịch vụ, tiền môi giới và việc hoàn trả các khoản tiền này.

Một nửa trong số 300 người lao động được hỏi cho biết họ không biết các kênh để đi làm việc ở nước ngoài và 95% trong số họ không biết về quyền được giữ hộ chiếu khi làm việc ở nước ngoài. Cứ 2 trong số 3 người có dự định đi làm việc ở nước ngoài không biết một thông tin gì về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết “Việc thiếu hiểu biết khiến người lao động lâm vào các hoàn cảnh rủi ro”. “Sự đóng góp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cả nữ giới và nam giới, vào tăng trưởng và phát triển của cả quốc gia phái cử và quốc gia tiếp nhận là rất lớn, nhưng đáng buồn là nhiều người trong số họ đã bị bóc lột, lạm dụng và thậm chí, trở thành nạn nhân của những kẻ buôn bán người”.

Chương trình giao lưu tại huyện Sơn Hà là một phần của chuỗi các hoạt động nhằm thúc đẩy tiếp cận các thông tin chính thống về chi phí và các kênh hợp pháp để đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, cung cấp các kỹ năng tự bảo vệ cũng như nâng cao nhận thức của người dân về di cư an toàn và các dịch vụ hỗ trợ nhằm ngăn ngừa tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người và bóc lột lao động.

Các sự kiện tương tự đã diễn ra tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ và Bắc Ninh trong tháng 12 và sẽ được tổ chức tại Thanh Hoá sau Tết Nguyên Đán.