Lao động trẻ em

Đào tạo nghề cho trẻ em bán hàng rong ở khu vực nông thôn Việt Nam

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, em nhỏ 14 tuổi đã được học nghề, thay đổi cuộc sống, giúp em thoát khỏi tình trạng lao động trẻ em và có một tầm nhìn tươi sáng hơn về tương lai cho chính em và gia đình.

Bài viết | Ngày 23 tháng 3 năm 2020
Thay vì việc phải bán dạo trên đường, Thành đang được học nghề cơ khí tại một tiệm sửa xe máy tại địa phương.
AN GIANG – Châu Trương Thanh, 14 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh An Giang, miền Nam Việt Nam cùng với bố mẹ và các em. Các thành viên gia đình gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là bố em mắc bệnh mãn tính nặng, cần được chăm sóc y tế thường xuyên.

Do điều kiện khó khăn như vậy lại không có nguồn tài chính đảm bảo nào, gia đình chật vật và không đủ khả năng cho Thanh và cậu em trai 12 tuổi đến trường. Môn học Thành yêu quý nhất ở trường là môn toán nhưng em thường xuyên phải bỏ học để giúp mẹ bán vé số dạo để có thêm thu nhập cho gia đình. Em gái 8 tuổi của Thanh đang học lớp 2 là đứa con duy nhất trong gia đình vẫn còn được đi học.

Chuyện của Thanh không phải là trường hợp duy nhất. Tuy đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm qua nhưng lao động trẻ em vẫn còn là một vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu với ước tính có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới. Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 đã đưa ra con số hơn 1.7 triệu lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tại Việt Nam. Con số này tương đương với một phần mười trẻ em trên toàn quốc. Các phát hiện đã chỉ ra rằng, một phần ba số lao động trẻ em phải làm việc trên 42 h/tuần, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đến trường của các em. Khảo sát này cũng cho thấy 42% trẻ em đang làm việc không đi học.

Cũng như Thanh và em trai, hầu hết các lao động trẻ em tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức rất khó tiếp cận, thường làm việc ngoài trời và đối mặt với nhiều nguy cơ. Giống với xu hướng trên toàn cầu, phần lớn tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam xảy ra trong khu vực nông nghiệp. Bán hàng rong tuy ít hơn nhưng cũng khá phổ biến.

Đối với Thanh và gia đình em, việc bán dạo là nguồn thu nhập ngắn hạn tổi thiểu và cũng là lựa chọn duy nhất của gia đình. Tuy nhiên, năm ngoái, cuộc đời của Thanh đã thay đổi đáng kể. Một cô giáo đã gặp gia đình em và chính quyền địa phương thông báo cho gia đình về cơ hội học nghề cho em với sự hỗ trợ của ILO.

Hiện nay, thay vì việc phải bán dạo trên đường, Thành đang được học nghề cơ khí tại một tiệm sửa xe máy tại địa phương cách nhà em 15 phút đạp xe.

Sau 4 tháng học, Thanh đã có nhiều tiến bộ. Với sự hỗ trợ của chú Du, chủ tiệm sửa xe, Thanh vừa học vừa làm. Là một người tiếp thu nhanh, em đã bắt đầu trực tiếp làm trên xe sau 2 tuần học lý thuyết. Hiện nay, em làm được 3-4 xe mỗi ngày và công việc yêu thích của em là lắp các bộ phận mới.

Thanh giải thích, trong quá trình học nghề, em đã dần thấy yêu thích công việc sửa xe máy và hiện đã có cái nhìn khá rõ về tương lai của mình. Cho dù điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ em hoàn toàn ủng hộ em học nghề như một cơ hội để thay đổi cuộc đời để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những thời gian không học tại tiệm sửa xe, Thanh bận bịu giúp các việc vặt trong gia đình, nấu ăn và chăm sóc hai em. Tuy việc học nghề chiếm rất nhiều thời gian nhưng cậu bé rất chăm học. Không chỉ được học được những điều mới mẻ mỗi ngày, cậu bé 14 tuổi còn có cơ hội giao lưu với các bạn đồng trang lứa có cùng hoàn cảnh. Ngoài Thanh, anh Du còn dạy nghề cho 2 em khác do ILO hỗ trợ, các em đã đem lại không khí vui vẻ cho tiệm sửa xe máy.

Thanh và những em bé như em được tiếp cận với học nghề thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em ở Việt Nam (Dự án ENHANCE) của ILO. Dự án được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL) và được thực hiện với sự hợp tác của Cục Trẻ Em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Được thực hiện từ năm 2015 đên nay và hiện đang ở giai đoạn cuối, Dự án ENHANCE đã hỗ trợ công tác phòng chống lao động trẻ em trên toàn quốc thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và sửa đổi các quy định pháp lý có liên quan. Bên cạnh việc hỗ trợ các hoạt động cấp quốc gia, Dự án cũng thực hiện các hoạt động can thiệp trực tiếp tại 3 tỉnh mục tiêu của dự án gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh và An Giang. Hoạt động này bao gồm việc thu nhập cho các gia đình dễ bị tổn thương và hỗ trợ các trẻ em đang hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng lao động trẻ em thông qua hỗ trợ giáo dục và dạy nghề.

Tại An Giang, nơi Thanh và gia đình sinh sống, Dự án đã hợp tác với Đại học An Giang và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập hồ sơ các trẻ em có nguy cơ và đánh gia nhu cầu học nghề của các em. Sau khi đã hệ thống được các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp tại địa phương, các đối tượng hưởng lợi được xác định sẽ được kết nối với các chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu, năng lực mong muốn của mình, và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Khi anh Du, chủ tiệm sửa xe được Dự án tiếp cận mời hợp tác, anh đã rất vui mừng vì có thể góp sức thay đổi cuộc sống cho các em nhỏ dễ bị tổn thương trong cộng đồng mình. Anh dự định sẽ tiếp tục dậy nghề cho cả ba em theo nhu cầu của các em và có dự kiến sẽ thuê các em làm việc. “Tôi sẽ rất buồn nếu các em rời tiệm”, anh cười và nói.

Với 20 năm kinh nghiệm, anh Du đã dạy nghề cho 11 người, tất cả hiện nay đều đang làm nghề cơ khí. “Nhu cầu thợ cơ khí giỏi tại cộng đồng rất cao. Nếu mình có kỹ năng tốt, mình có thể sống tốt” anh giải thích.

Nếu không được học nghề, Thanh nghĩ có lẽ em hiện vẫn đang bán vé số dạo và không có ý tưởng gì để thoát nghèo. Nếu không được giúp học nghề, cậu bé 14 tuổi này khó có thể tìm được một công việc tốt khi trưởng thành.

Ở Việt Nam, quốc gia thứ 2 trên thế giới và quốc gia đầu tiên tại Châu Á phê chuẩn Công ước LHQ về Quyền trẻ em (UN, 1989), giáo dục là một quyền của mọi trẻ em. Lao động trẻ em có tác động tiêu cực đến quyền này vào lặp lại vòng luẩn quẩn của nghèo đói trong gia đình và cộng đồng, gây cản trở cho tiến trình hướng tới phát triển bền vững.

Trong Mục tiêu Phát triển Bền Vững 8.7, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đến năm 2025 sẽ xóa bỏ lao động trẻ em và đến năm 2030 sẽ xóa bỏ lao động cưỡng bức và nô lệ hiện đại. Để thực hiện cam kết này, Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia tiên phong thực hiện Mục tiêu toàn cầu 8.7 nhằm thúc đẩy quá trình hướng tới mục tiêu này, xây dựng một lộ trình toàn diện để đưa mục tiêu này thành hành động cụ thể. Thông qua Dự án ENHANCE, ILO đã hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu trọng yếu này và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Các giải pháp bền vững để đạt được những kết quả dài hạn là chìa khóa thành công cho những nỗ lực này. Đối với những đối tượng hưởng lợi như cậu bé Thanh 14 tuổi và gia đình của em, tác động của những hỗ trợ mà em đang nhận được sẽ được tiếp tục kéo dài sau khi Dự án ENHANCE kết thúc. Ngày hôm nay, Thanh đã có một cái nhìn rõ nét hơn về tương lai của mình.

“Giấc mơ của em là mở được một tiệm sửa xe của riêng mình để em có thể giúp đỡ được gia đình”, cậu bé 14 tuổi nói với một sự quyết tâm thầm lặng.