Tiếng nói từ người hưởng lợi

Khi kỹ năng mềm tạo ra thành quả vững chãi

Chương trình của Tổ chức Lao động Quốc tế đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động thông qua đào tạo nâng cao năng suất vào điều kiện làm việc.

Bài viết | Việt Nam | Ngày 03 tháng 4 năm 2017
Chị Phạm Thị Phương


VIỆT NAM – Chị Phạm Thị Phương làm tăng ca trung bình mỗi tuần một lần. Các ngày còn lại trong tuần, chị thường kết thúc ca làm việc của mình tại một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gỗ tại tỉnh Bình Dương vào lúc 4 giờ chiều, và dành thời gian còn lại để bản thân và chồng chăm lo cho mái ấm với ba con thơ.

"Ngày trước đây là điều tôi không dám nghĩ tới," người phụ nữ 35 tuổi nhớ về thời gian chị mới vào làm việc tại Công ty Cổ phẩn Lâm Việt năm 2011.

Chị Phương và chồng đều là công nhân tại nhà máy. Trước đây, họ thường phải làm việc tới tận 9, 10 giờ đêm mỗi ngày để có đủ tiền trang trải cho gia đình. Chính vì vậy, anh chị không có cách nào khác, phải phó thác ba con nhỏ - một bé trai và hai bé gái sinh đôi - nhờ ông bà nội ở quê ngoài Bắc chăm sóc.

Nhưng những ngày tháng đó đã chỉ còn là quá khứ từ khi nhà máy tham gia chương trình Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) của ILO. Được tài trợ bởi Chính phủ Na Uy và Thụy Sĩ, chương trình tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc thông qua đào tạo thực tế và tư vấn trực tiếp tại nhà máy.

Lâm Việt bắt đầu tham gia vào chương trình đào tạo SCORE từ năm 2012, một thập kỷ sau khi nhà máy được thành lập và khi đó vẫn còn là doanh nghiệp cỡ vừa.

Một “nhóm cải tiến doanh nghiệp" được thành lập, bao gồm cả người lao động và cán bộ quản lý, cả nam và nữ. Họ tham gia khóa đào tạo của SCORE về hợp tác tại nơi làm việc, quản lý chất lượng, và quản lý nguồn nhân lực, và sử dụng kiến thức đó để hàng tuần truyền lại cho tất cả mọi người trong công ty.

Với sự hỗ trợ của các giảng viên SCORE từ các chuyến đi tư vấn trực tiếp tại nhà máy, nhóm cải tiến đã xác định được những nội dung hành động để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại của nhà máy. Điều kiện làm việc là một trong những điểm được đưa ra.

"Ngày trước mỗi sáng bước chân đến chỗ làm thấy oải quá," chị Phượng chia sẻ. "Từ việc lục tìm dụng cụ cầm tay trong đống lẫn lộn trong tủ, tầm nhìn bị hàng hóa che hết ở khắp nơi, thỉnh thoảng vấp té vì đồ để lung tung trên sàn, rồi bụi bặm, tất cả khiến chúng tôi thấy mệt mỏi ngay từ khi vào ca.”

Thông qua việc khuyến khích người lao động đưa ra sáng kiến, thông qua việc đánh giá các giải pháp đưa ra và hành động, Lâm Việt đã xây dựng văn hóa đổi mới trong doanh nghiệp mà đến giờ vẫn tiếp tục được duy trì khi công ty đã trở thành một doanh nghiệp lớn với 1.100 lao động.

Doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi

Những sáng kiến này đã góp phần mang đến những kết quả quả tích cực cho doanh nghiệp: Năng suất lao động tăng 40%, chi phí sản xuất giảm 10%, và thời gian làm thêm giờ đã giảm 40%, đó là chưa bao gồm những cải thiện đáng kể trong quan hệ giữa người lao động và quản lý.

Nhờ có SCORE, Ban giám đốc đã nhận ra rằng sự gắn kết chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm giữa Ban giám đốc và người lao động, là rất quan trong, đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp."

ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Giám đốc Lâm Việt
"Nhờ có SCORE, Ban giám đốc đã nhận ra rằng sự gắn kết chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm giữa Ban giám đốc và người lao động, là rất quan trong, đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp," ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Giám đốc Lâm Việt cho biết.

Người lao động cũng được hưởng lợi trực tiếp khi điều kiện lao động được cải thiện tại nhà máy với các chỉ số về bụi và tiếng ồn đã được giảm tới 80%.

"Bây giờ môi trường làm việc thông thoáng hơn nhiều với ánh sáng và hệ thống thông gió đầy đủ. Tai nạn lao động cũng được giảm đáng kể, đơn giản bởi vì mọi thứ được sắp xếp gọn gàng," chị Phương chia sẻ. Giờ đây, chị chỉ cần vài giây để tìm được dụng cụ cầm tay thay vì 5 phút như trước.

"Thử nghĩ xem chúng tôi có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian nếu mỗi giai đoạn đều được cắt ngắn như thế này," chị nói.

Kết quả là thời gian làm việc giảm còn 2/3 trong khi thu nhập của chị thậm chí còn cao hơn.

Theo TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, "đây là giá trị cốt lõi của chương trình". Chương trình đào tạo SCORE trang bị các kỹ năng mềm cho tài sản quan trọng nhất của mọi doanh nghiệp – nguồn nhân lực, bao gồm cả người quản lý và người lao động – để họ có thể cùng nhau xác định và giải quyết vấn đề.

"Đó là sự đầu tư nhỏ nhưng đem lại thành quả lớn cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động," TS Lee nói.

Chị Phương giờ đây không còn thấy chán nản khi bước chân đi làm vào mỗi sáng. Thay vào đó, chị thấy thoải mái và hào hứng trước một ngày làm việc mới.

Tháng 3 vừa qua đánh dấu mốc 6 năm chị làm việc tại nhà máy Lâm Việt. Trên khuôn mặt chị nở một nụ cười hạnh phúc, bởi cả công việc và cuộc sống gia đình đều có những cải thiện đáng kể nhờ vào những đổi mới tại nơi làm việc.

"Tôi rất mừng vì đã có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, với thu nhập tốt," chị nói. "Ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Giờ tôi có cả công việc và con cái bên cạnh.”