Phỏng vấn: COVID-19 và ngành gỗ Việt Nam

Chúng tôi đã trò chuyện một số doanh nghiệp đã tham gia SCORE Training trên thế giới để tìm hiểu COVID-19 đã tác động tới họ như thế nào, và họ đã bảo vệ người lao động ra sao. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lạc quan rằng họ sẽ có thể vượt qua thời điểm khó khăn này, và sẽ sớm trở lại “trạng thái bình thường mới” trong trung hạn.

Bình luận | Ngày 30 tháng 4 năm 2020

Phỏng vấn bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Nội thất Việt Á


Bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nội thất Việt Á
"Thông thường vào thời điểm này trong năm chúng tôi có khoảng 80 công nhân nhưng năm nay, chúng tôi chỉ có 55, đều là những nhân viên đã có thời gian găn bó với công ty.

Chúng tôi bắt đầu việc phòng dịch Covid 19 từ rất sớm, tôi nghĩ ngay cả trước khi có các hướng dẫn chính thức từ cơ quan chức năng. Chúng tôi đã mua khẩu trang và yêu cầu công nhân đeo khẩu trang toàn bộ thời gian trong xưởng. Chúng tôi tiến hành phun khử trùng và thực hiện kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Công ty chúng tôi thậm chí còn có một chiến dịch truyền thông nội bộ để giải thích cho các công nhân về tình hình nghiêm trọng như thế nào và yêu cầu họ hợp tác. Tôi nhớ lại lúc đó chúng tôi phải tìm kiếm tất cả các nguồn thông tin và hướng dẫn từ Bộ Y tế, WHO v.v ... để hiểu cách tiến hành các biện pháp phòng ngừa này một cách chính xác (ví dụ dung dịch khử trung nào được phun trên bề mặt máy, dung dịch nào phun trên bề mặt sản phẩm v.v…).

Đó là một thời gian thực sự khó khăn, cho đến bây giờ tôi vẫn gần như phải dành toàn bộ thời gian cho công việc. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có những cơ hội khi công ty có thể tìm ra cách cùng với khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh , ổn định sản lượng và tối ưu hóa nguồn nhân lực hiện có.

Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều điều chỉnh như gửi hàng gia công, nhân viên kiêm nhiệm nhiều công việc. Chúng tôi đã chuyển công việc sang online và tất cả nhân viên trong văn phòng của chúng tôi tại Hà Nội đã làm việc tại nhà ngay cả trước khi có chỉ thị giãn cách xã hội từ chính phủ.

Tôi nghĩ rằng công ty của tôi không được chuẩn bị tốt cho cách làm việc mới này. Có rất nhiều vấn đề, từ cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin (thiết bị, dữ liệu, dung lượng lưu trữ, bảo mật) đến thái độ làm việc của nhân viên làm việc trực tuyến và làm việc tại nhà. Nhiều nhân viên vẫn coi đây là thời gian làm việc tạm thời và chúng tôi cũng chưa có một quy trình hiệu quả để quản lý hiệu suất làm việc trực tuyến và làm việc tại nhà.

Theo tôi, hỗ trợ quan trọng nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi là gói an sinh xã hội mà chính phủ cung cấp cho người lao động bị thu nhập do tác động của Covid 19. Việc giải ngân nhanh chóng và hiệu quả cho gói hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chăm sóc tốt hơn cho nhân viên của mình và duy trì lực lượng lao động trước khi có thể quay trở lại sản xuất kinh doanh như bình thường."

Phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Tính, Giám đốc Công ty Nội thất Tân Hoà 1


Ông Nguyễn Ngọc Tính, Giám đốc Công ty Nội thất Tân Hoà 1
"Trước khi tình hình dịch Covid 19 trở nên phức tạp, công ty Tân Hòa có trên 200 công nhân. Rất nhiều công nhân sau tết không quay trở lại công ty làm việc do tâm lý e ngại dịch bệnh. Một số công nhân khác khi về quê chúng tôi cũng khuyến khích tạm thời không quay trở lại nhà máy theo yêu cầu về dẫn giãn cách xã hội của chính phủ và cũng để giảm thiểu rủi ro cho các công nhân đang còn làm việc tại công ty.

Công ty chúng tôi hiện chỉ còn 80 lao động, tập trung sản xuất những đơn hàng có sẵn từ trước, nhưng các đơn hàng có sẵn này cũng chỉ đủ cho công ty hoạt động đến cuối tháng 4. Sau đó chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục các hoạt động sản xuất dự trữ để duy trì việc làm cho người lao động đến cuối tháng 6. Nhiều khả năng cuối tháng 6 sẽ là mốc thời điểm công ty phải tạm ngưng hoạt động nếu tình hình đơn hàng không có chuyển biến gì mới.

Rất nhiều doanh nghiệp xung quanh chúng tôi đã ngừng hoạt động. Chúng tôi là 1 trong 2 công ty gỗ trong khu vực Long Bình, Đồng Nai còn hoạt động ở thời điểm này.

Hiện công ty đang đề nghị các công nhân còn làm việc chuyển về khu trọ miễn phí của công ty để giảm bớt được chi phí sinh hoạt, đồng thời chúng tôi cũng hỗ trợ thêm một phần chi phí thực phẩm cho công nhân.

Vấn đề dòng tiền là một trong những khó khăn lớn nhất của công ty. Chúng tôi đề nghị trong thời điểm đặc biệt khó khăn này các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ gia hạn và áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay khoản ngắn hạn cho doanh nghiệp.

Hiện tại chúng tôi chưa có phương án cụ thể gì để điều chỉnh mô hình hoạt động của công ty sau dịch vì toàn bộ thời gian đang dành cho việc đảm bảo việc làm cho người lao động và giảm thiệt hại từ dịch. Chúng tôi cũng nhận thấy nguồn lực và trình độ hạn chế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khả năng ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng như đại dịch này

Theo chúng tôi nhóm công nhân lao động cơ bản là nhóm đối tượng yếu thế chịu nhiều tác động tiêu cực nhất từ dịch. Vì nếu chính phủ không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời thì việc hỗ trợ nhóm công nhân này khi dịch bệnh kéo dài là hoàn toàn nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp."