ILO100

ILO và Việt Nam cùng kỷ niệm lịch sử đấu tranh vì công bằng xã hội

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam

Bình luận | Ngày 30 tháng 1 năm 2019
Năm 2019 là một năm đặc biệt đối với cả ILO và Việt Nam.

ILO được thành lập tại Hội nghị Hòa bình Paris vào năm 1919 ngay sau Thế chiến thứ I dựa trên một niềm tin chung, như được nêu tại Lời nói đầu của Hiến chương của ILO, rằng “nền hòa bình phổ quát và lâu dài chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở công bằng xã hội.”

Cũng chính tại Hội nghị Hòa bình Paris đó, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới các phái đoàn tham dự Hội nghị một bản yêu sách về các quyền cơ bản – quyền con người, xã hội, kinh tế và chính trị – của người dân An nam. Trong những yêu sách này, Người yêu cầu quyền tự do hiệp hội, và cùng với đó, rất đáng ngạc nhiên, là quyền giáo dục, yêu cầu thành lập các trường dạy nghề và hướng nghiệp cho người Việt Nam. Điều này cũng đã được nhấn mạnh trong Lời nói đầu của Hiến chương ILO, trong đó kêu gọi việc “công nhận nguyên tắc tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề”.

Vị Chủ tịch nước tương lai của nước Việt Nam độc lập đã có giấc mơ giống như của những người sáng lập ILO. Bản yêu sách của người sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh là khởi đầu của các chính sách lao động và xã hội hiện đại của Việt Nam. ILO và nước Việt Nam hiện đại đã cùng nhau bước những bước đi đầu tiên từ cách đây 100 năm.

ILO Việt Nam dự kiến cùng với các đối tác ba bên (Chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động) và các lãnh đạo chính trị của Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm một thế kỷ thành lập của ILO vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tháng 5. Chúng tôi cũng có kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao về Tương lai Việc làm, xem xét đến những tác động và nội hàm của những thay đổi về công nghệ và hội nhập kinh tế đối với thế giới việc làm tại Việt Nam. Sự kiện này là bước tiếp nối việc công bố báo cáo toàn cầu về Tương lai Việc làm của ILO vào ngày 22/1 vừa qua. ILO cũng dự kiến cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng và hiện đại hóa nhanh chóng nền kinh tế của Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Nhưng điều này cũng mang đến những thách thức ở cấp độ mới đối với việc đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người trong một thế giới hội nhập.

ILO sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác của chúng tôi để hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa pháp luật lao động phù hợp với Tuyên bố của ILO về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động, cũng như các công ước cơ bản của ILO. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đối tác ba bên, giúp mở rộng bảo trợ xã hội cho tất cả mọi người, tạo môi trường cho phát triển doanh nghiệp bền vững với năng suất cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời giải quyết những thách thức về việc làm xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tôi chờ đón năm quan trọng này và nóng lòng mong được chứng kiến mối quan hệ giữa Việt Nam và ILO được nâng lên một tầm cao mới vì sự nghiệp chung hướng tới công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người.