Tương lai việc làm

Đào tạo kỹ năng kinh doanh là chìa khoá thúc đẩy việc làm bền vững trong thời đại 4.0

Ông Vic van Vuuren, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp của ILO, chia sẻ quan điểm bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN diễn ra tại Hà Nội ngày 11-13/9.

Bình luận | Ngày 12 tháng 10 năm 2018
Ông Vic van Vuuren, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp của ILO

Ông nghĩ thế nào về việc Hội nghị năm nay tập trung vào chủ đề chính là cuộc cách mạng 4.0?

Mọi người đều cho rằng các cuộc thảo luận về Cách mạng 4.0 thường tập trung vào các thay đổi được thúc đẩy bởi công nghệ, như số hoá và tự động hoá. Tất cả những tiến bộ công nghệ này đang tác động tới cách chúng ta làm việc. Tuy nhiên còn rất nhiều những cuộc tranh luận liên quan khác không kém phần quan trọng, và đây là điểm ILO quan tâm. Đó là Cách mạng 4.0 không nên chỉ đi theo hướng giúp người giàu ngày càng giàu lên, mà người nghèo ngày càng nghèo đi và nhiều người bị thất nghiệp. Chúng ta phải liên kết cuộc cách mạng này với các mục tiêu phát triển bền vững để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ranh giới thành công là giữa việc giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển nhưng đồng thời giảm thâm hụt xã hội toàn cầu thông qua chia sẻ thịnh vượng và những chính sách không để ai bị bỏ lại phía sau. Làm thế nào để chia sẻ của cải cho những người cần được chia sẻ sẽ là một thách thức lớn.
 
Cuộc tranh luận về cuộc cách mạng thứ tư này nhấn mạnh vào yếu tố phát triển công nghệ. Một yếu tố quan trọng để thành công là bạn phải có kỹ năng cần thiết cho tương lai. Điều này đòi hỏi việc phân tích thị trường và kết hợp các kỹ năng đó với nhu cầu của thị trường. Nhiều quốc gia trên thế giới có tình trạng nhiều người trẻ tuổi thất nghiệp, bởi vậy họ sẽ cần phải điều chỉnh các chính sách giáo dục và phát triển để giải quyết những vấn đề liên quan đến thị trường lao động tương lai.
 
Có hai thành phần quan trọng ở đấy - đó là kỹ năng vận hành, tức là kỹ năng liên quan tới công nghệ hay khả năng kinh doanh, và kỹ năng mềm. Tôi nghĩ là chúng ta cần hơn nữa những người có kỹ năng mềm tốt. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng mọi cuộc thảo luận về 4.0 tập trung quá nhiều vào công nghệ mà quên mất rằng kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém.

Thông điệp chính mà ILO mang đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa rồi là gì?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới luôn đi đầu trong việc định hướng tư duy kinh tế ở mức độ toàn cầu. Chúng ta không thể đến Diễn đàn Kinh tế thế giới và nói rằng họ phải làm gì. Mà chính các thành viên của Diễn đàn dậy chúng ta nhiều điều. ILO là một tổ chức thực hiện việc giám sát một chương trình nghị sự về việc làm bền vững. Thông điệp của chúng ta là chúng ta ủng hộ tất cả những thay đổi đang diễn ra nhưng như tôi đã đề cập, chúng ta không muốn tăng trưởng kinh tế bị đánh đổi bởi suy giảm xã hội, mà cần phải tạo ra và thúc đẩy việc làm bền vững cho mọi người.

Chúng ta cũng muốn đảm bảo rằng trong các cuộc thảo luận toàn cầu có sự ghi nhận về tầm quan trọng của các thực hành công bằng về lao động. Hãy nhớ rằng gần 100 năm trước, ILO được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, thời kỳ đó tồn tại rất nhiều thực hành lao động bất công. Kể từ đó, chúng ta đã thúc đẩy chương trình nghị sự về việc làm bền vững không thay đổi xuyên suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai và trải qua tất cả những bất ổn đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Với cuộc Cách mạng công nghiệp, chúng ta cần tiếp tục thông điệp đó.

Ông nghĩ rằng cụ thể Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa rồi có thể hỗ trợ một chương trình nghị sự về việc làm bền vững như thế nào? Vai trò của các chính phủ là gì?

Lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng và cũng chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn ILO và yêu cầu ILO cần phải tiếp tục nghiên cứu các dữ liệu về thị trường, những lĩnh vực nào việc làm đang bị thay thế, những lĩnh vực nào tạo ra nhiều việc làm mới, và những lĩnh vực nào đang theo những thực hành tốt và không tốt. Thủ tướng đề cập đến xu hướng dịch chuyển việc làm trong bài phát biểu của mình và chúng ta nên tiếp tục cung cấp cho các nhà lãnh đạo đất nước và lãnh đạo doanh nghiệp thông tin đầy đủ để họ có thể đảm bảo rằng có một chương trình nghị sự lấy việc làm bền vững làm trung tâm, đồng thời giúp họ tạo ra một khung khổ điều tiết cần thiết nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững.
 
Chính phủ đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng bởi vì chúng ta cần một khung pháp lý nơi mọi người có thể làm kinh doanh tốt, có thể tiếp cận tài chính và được giám sát thông qua thanh tra lao động. Chính phủ cần phải tạo ra không gian đó. Mặt khác, khu vực tư nhân cũng cần phải sẵn sàng xây dựng quan hệ đối tác với chính phủ để đảm bảo tăng trưởng tích cực có lợi cho mọi người.

Các quốc gia ASEAN có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa và có thể nói là còn yếu về mặt tài chính, quản lý và áp dụng công nghệ. Theo ông làm thế nào các doanh nghiệp này có thể trụ vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Các chính phủ cần phải đầu tư vào các chương trình đào tạo phù hợp vì thường các doanh nghiệp nhỏ không thể kham nổi chi phí đầu tư vào các chương trình này. Bản chất của đào tạo chính là sự tham gia. Chính phủ cần phải mang công nghệ đến với các doanh nghiệp nhỏ và giúp họ tiếp cận tài chính để có thể nâng cấp doanh nghiệp của họ. Các doanh nghiệp nhỏ thường rất dễ phải chịu các tác động tiêu cực và cần được hỗ trợ để có thể tồn tại bền vững.

Một số người lo lắng rằng người trẻ sẽ mất việc làm bởi vì tự động hoá. Theo ông, thành phần dân số nào sẽ dễ chịu tổn thương nhất bởi cuộc cách mạng công nghiệp này?

Thanh niên trong khu vực ASEAN có thể lạc quan về tương lai bởi các quốc gia này đang tạo ra những kỹ năng cho tương lai. Điều quan trọng là cần liên tục nâng cao kỹ năng và đưa ra cơ chế học tập suốt đời để đáp ứng được những nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, người trẻ tuổi cần phải được đào tạo các kỹ năng kinh doanh và hiện tại không phải nhiều nước đưa việc đào tạo kỹ năng kinh doanh vào hệ thống đào tạo, do đó học sinh, sinh viên thường chưa được học cách để khởi nghiệp hay trở thành một phần của doanh nghiệp. Về lâu dài, bạn cần phải đảm bảo rằng sinh viên ra trường có thể lấp đầy lỗ hổng việc làm trong thị trường.
 
Tại Việt Nam, tôi đã nói chuyện với những người trẻ tại một hội chợ công nghệ. Tôi thấy họ tràn đầy năng lượng và thái độ tích cực. Những người trẻ đó luôn đi tìm các cơ hội, và trách nhiệm của Chính phủ là tạo ra không gian cho họ.
 
Nếu bạn có một thế hệ trẻ với thái độ tích cực và luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, đó thực sự là một đòn bẩy cho những gì tốt đẹp phía trước, và đối với tôi đó mới thực sự là thế hệ 4.0. Đó là việc tạo ra những con người có khả năng suy nghĩ sáng tạo, và họ có thể sẵn sàng nói rằng: “Nếu cho tôi đủ cơ hội thì tôi có thể góp phần làm thay đổi thế giới theo hướng tích cực hơn.”.