Góc nhìn

EU-Việt Nam FTA đóng vai trò quan trọng khích lệ Việt Nam tiếp tục cải cách lao động

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee bình luận về vai trò của Hiệp định Thương mại Tự do EU- Việt Nam trên con đường hướng tới quản trị dân chủ thị trường lao động.

Bình luận | Ngày 28 tháng 9 năm 2018
© ILO/Nguyen A
Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới chứng kiến bước lùi của dân chủ và sự rút lui khỏi cam kết với các nguyên tắc được ghi nhận trên toàn cầu. Mặc dù Việt Nam cũng có những vấn đề riêng của mình, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc điều chỉnh pháp luật và thiết chế lao động theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO.

Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi Bộ Luật Lao động, và nếu được thông qua sẽ là một bước tiến lớn trong việc điều chỉnh luật phù hợp Tuyên bố của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động năm 1998. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang xem xét phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO – Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào năm 2019, Công ước số 105 về lao động cưỡng bức vào năm 2020 và Công ước số 87 về tự do hiệp hội vào năm 2023. Đây là những yêu cầu cơ bản trong Chương về Thương mại và Phát triển Bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu mới sang làm việc tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm, khi những cụm từ “tự do hiệp hội” và “công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể” còn là điều cấm kị về chính trị, tôi thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến Việt Nam đã tiến xa đến mức nào. Bây giờ chúng ta hợp tác cùng nhau tạo dựng một khuôn khổ pháp luật và thiết chế về quan hệ lao động phù hợp với các Công ước của ILO về Tự do Hiệp hội và Thương lượng Tập thể. Đối với Việt Nam, các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới đóng vai trò quan trọng không kém những nhu cầu trong nước nhằm hiện đại hóa pháp luật lao động và quan hệ lao động.

Tất nhiên, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn được liệu Việt Nam có thể hoàn thành công cuộc cải cách như dự kiến hay không. Ngoài kia là môi trường toàn cầu khó đoán định, những ý muốn giữ nguyên trạng và quan ngại về một tương lai bất định. Đó là lý do vì sao Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đóng vai trò quan trọng, khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách trong khuôn khổ các tham số được xác lập bởi các tiêu chuẩn của ILO và các Hiệp định Thương mại Tự do. Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam sẽ tạo sự khích lệ lớn đối với Việt Nam để tiếp tục con đường đến với quản trị dân chủ thị trường lao động, như mục đích Chương về Thương mại và Phát triển Bền vững hướng tới.

(*) Nội dung này được sử dụng trong báo cáo “The EVFTA: Perspectives from Vietnam” của Phòng Thương mại Châu Âu (EUROCHAM) tại Việt Nam.

(*) Dự án Chương trình Khung khổ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 3 triệu USD.

(*) Bài viết thuộc khuôn khổ dự án Thúc đẩy quá trình Việt Nam xem xét gia nhập và thực hiện các Công ước 87, 98, 105 của ILO. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ. Nội dung trong bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.