Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc

An toàn và sức khỏe cho Lao động trẻ tại nơi làm việc: Giáo dục sớm nghĩa là bảo vệ sớm

Bài viết của bà Tomoko Nishimoto, Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Bình luận | Ngày 26 tháng 4 năm 2018
So với những khu vực khác, Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có số lượng người trẻ bước vào thị trường lao động nhiều nhất. Là lao động trẻ, họ thường làm các công việc nguy hiểm, độc hại và bị bóc lột để kiếm tiền cho gia đình. Một số công việc này được coi là lao động trẻ em. Năm nay, Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại Nơi làm việc của ILO tập trung cải thiện điều kiện lao động cho lao động trẻ và hướng tới xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em.

Lao động trẻ ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, có khoảng 300 triệu người lao động ở độ tuổi từ 15 tới 24, chiếm 20% tổng lực lượng lao động toàn khu vực. Đói nghèo là nguyên nhân khiến lao động trẻ phải đi làm khi còn rất trẻ. Họ bước vào thị trường lao động với kiến thức về các mối nguy hiểm và rủi ro nghề nghiệp bằng Không (0) và cũng không có nhận thức về quyền được đảm bảo An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN).

Một số em thậm chí còn bắt đầu đi làm ở độ tuổi nhỏ hơn. Khoảng 62 triệu trẻ em từ 5 đến 17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em. Trong số đó, 28 triệu em làm các công việc nguy hiểm, độc hại. Đối với những em này, lao động bóc lột là mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần của các em.

Nhiều lao động trẻ ở Châu Á – Thái Bình Dương làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, cụ thể trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và làng nghề thủ công. Những nơi làm việc này thường nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật ATSKNN hoặc rất khó để thực hiện thanh tra. Bên cạnh đó, người lao động cũng thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của ATSKNN.

Điều kiện làm việc không đảm bảo và thiếu đào tạo về ATSKNN thường khiến lao động trẻ, những người đáng ra còn có tương lai nghề nghiệp lâu dài phía trước, có tỉ lệ tai nạn lao động cao hơn các nhóm khác. Họ cũng gặp phải nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp có tác hại lâu dài. Ví dụ, tiếp xúc với các yếu tố độc hại như amiăng, thuốc trừ sâu và các hóa chất khác có thể dẫn tới nhiều bệnh nghiêm trọng và thậm chí có khả năng tử vong.

Nỗ lực ba bên đồng bộ

Cung cấp cơ hội việc làm bền vững và an toàn là hết sức cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động cần xây dựng, triển khai và tiếp tục đẩy mạnh văn hóa phòng ngừa. Trên thực tế, nhiều Chính phủ hiện đang tổ chức đối thoại ba bên nhằm đưa ra các tiêu chuẩn và xây dựng chính sách quốc gia về ATSKNN.

Đảm bảo chính sách quốc gia phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế có vai trò quan trọng. Cụ thể, Chính sách quốc gia cần tuân thủ đầy đủ Công ước của ILO về Khung thúc đẩy An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp, 2006 (Số 187). Đáng mừng là, số lượng quốc gia trong khu vực phê chuẩn Công ước này đã tăng lên.

Giáo dục vì tương lai việc làm an toàn hơn

Cùng với những nỗ lực cải thiện tình trạng hiện nay tại các nơi làm việc, giáo dục về ATSKNN cho thế hệ tương lai có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo ước tính, 65% học sinh tiểu học sẽ làm các công việc hiện nay chưa có. Để đảm bảo những công việc này không ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn đối với thế hệ trẻ tương lai, giáo dục sớm về ATSKNN cho các em là việc việc làm cần thiết.

Giáo dục cho trẻ em về tầm quan trọng của ATSKNN là không thể thiếu nhằm đảm bảo tương lai việc làm an toàn. Bằng khả năng của mình, chúng ta phải đảm bảo rằng trẻ em nhận thức được và được bảo vệ thông qua các nguyên tắc giúp các em có cơ hội được làm việc trong môi trường an toàn và đảm bảo sức khỏe.



Lao động trẻ Việt Nam thiếu kiến thức về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc

Một nghiên cứu với 900 lao động trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp và làng nghề chỉ ra rằng an toàn và đảm bảo sức khỏe tại nơi làm việc không phải là ưu tiên hàng đầu của họ.

Nghiên cứu của ILO cũng cho thấy chỉ khoảng 12% lao động trẻ ở các làng nghề và hầu như không có lao động trẻ trong ngành nông nghiệp được đào tạo về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Phần lớn số lao động này đều không có hợp đồng lao động chính thức.

Hầu hết lao động trẻ được phỏng vấn – ở độ tuổi 15-24 - đều không báo cáo tai nạn lao động cho người sử dụng lao động. Thực tế này cho thấy lao động trẻ thiếu sự mạnh dạn thể hiện quan điểm.

Theo nghiên cứu, lao động trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp nói chung không nhận thức rõ về tác hại lâu dài của thuốc trừ sâu. Khi được hỏi về những rủi ro tại nơi làm việc, họ thường chỉ đề cập đến vật sắc nhọn, động vật, trơn trượt hoặc vấp ngã.

Trong khi đó, lao động trẻ làm việc ở các làng nghề chỉ ra những mối nguy hiểm khác nhau, bao gồm việc sử dụng máy móc, công cụ làm việc, vật sắc nhọn và axit ắc quy.

Trong cả hai ngành, lao động trẻ nam và nữ đều coi phương tiện bảo vệ cá nhân là cách chủ yếu để giúp họ tránh khỏi rủi ro tại nơi làm việc.

Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 tại Phú Thọ, Hưng Yên và Đà nẵng. Đây là hoạt động thuộc Dự án An toàn và Sức khỏe cho lao động trẻ do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ, với mục tiêu cải thiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho lao động trẻ ở Việt Nam.
 


________________
Dự án được Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ theo Thỏa thuận hợp tác số IL-26690-14-75-K-11. 100% kinh phí dự án do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ với tổng ngân sách là 11.443.156 đô la. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay các chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, hoặc những lần đề cập đến tên thương mại, sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức không có nghĩa bao hàm sự chứng thực của Chính phủ Hoa Kỳ.