Bình luận

Giúp việc gia đình, việc làm như những công việc khác

Yoshiteru Uramoto, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương

Bình luận | Ngày 13 tháng 6 năm 2014
BANGKOK – Hai tháng trước, một người giúp việc gia đình 23 tuổi đến từ một thành phố ít người biết đến của Indonesia được vinh danh là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Tạp chí Time. Cùng với các vị tổng thống và ngôi sao nhạc pop, Erwiana Sulistyaningsih được công nhận bởi những gì cô ấy đã không làm – Erwiana đã không giữ im lặng.

Ngày 16/6  là Ngày Giúp việc Gia đình Quốc tế, và Tổ chức Lao động Quốc tế chúng tôi đề cao đóng góp của những người phụ nữ như Erwiana. Trở về Indonesia từ Hong Kong, Erwiana đã vận động cho quyền lợi của người giúp việc gia đình. Trong suốt 8 tháng làm việc tại Hong Kong, Erwiana đã bị người chủ của mình tra tấn dã man, và khi những chấn thương không cho phép cô ấy tiếp tục làm việc, Erwiana bị gửi trả về nước với chỉ 9 USD trong túi. Erwiana đã bắt đầu vận động những người giúp việc gia đình như mình trên thế giới, nhiều người trong số đó là những phụ nữ nhập cư, phần lớn ở tình trạng dễ bị tổn thương tại nơi làm việc.

Có hơn 20 triệu giúp việc gia đình chỉ riêng ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương – ngang bằng với dân số Sri Lanka – nhưng vì những người lao động này thường bị giữ tại nhà riêng, hoặc những nơi làm việc không được pháp luật kiểm soát, nên họ đặc biệt dễ bị tổn thương khi bị ngược đãi. Tại nhiều quốc gia, giúp việc gia đình không được bảo vệ bởi pháp luật lao động, và không được nhận lương tối thiểu. Trung bình, giúp việc gia đình kiếm được ít hơn một nửa mức lương trung bình; một số người chỉ kiếm được thấp hơn 1/5.

Mặc dù vậy, giúp việc gia đình vẫn là một nghề phát triển nhanh. Số lượng giúp việc gia đình hiện nay nhiều hơn 19 triệu người so với thời điểm giữa những năm 90 – tăng 30% trong gần 2 thập kỷ. Hơn 80% số lao động này là nữ.

Tháng 5 vừa qua, tại Việt Nam Nghị định 27 của Chính phủ chính thức có hiệu lực với mục đích bảo vệ tốt hơn lao động giúp việc gia đình. Hiện nay, tất cả giúp việc gia đình tại Việt Nam có quyền được ký hợp đồng lao động, được nhận lương tối thiểu, số ngày nghỉ phép, bảo hiểm xã hội và y tế, và được tiếp cận với cơ chế giải quyết tranh chấp.

Thế giới cần những người phụ nữ này. Lao động giúp việc gia đình di cư đóng góp đáng kể cho cộng đồng nơi họ sinh ra, họ gửi tiền về nước để trang trải cho những nhu cầu về giáo dục và sức khỏe của các thành viên trong gia đình, giúp làm tăng GDP và tiềm năng phát triển cho đất nước họ. Giúp việc gia đình cũng tạo điều kiện giúp những thành viên trong gia đình người chủ sử dụng lao động có điều kiện làm việc bằng cách giúp giảm thời gian họ dành cho việc dọn dẹp, nấu nướng, mua sắm và những công việc nội trợ.

Chúng ta cần nhận ra những lợi ích mà công việc giúp việc gia đình, và việc di cư để làm giúp việc gia đình, có thể mang lại, và những lợi ích này chỉ có thể đạt được khi những phụ nữ này được làm việc an toàn và có thu nhập. Tổ chức Lao động Quốc tế gần đây ước tính mỗi năm có hơn 8 tỷ USD lợi nhuận tạo ra từ những người giúp việc gia đình bị cưỡng bức lao động. Khoản lợi nhuận này đáng lẽ được dành cho người lao động và gia đình của họ một cách chính đáng, nhưng thay vào đó lại chảy vào túi của các công ty tuyển dụng lừa đảo và những người chủ lao động chuyên bóc lột.

Nguyên nhân phần nào đó do nhiều người vẫn coi các công việc gia đình là nghĩa vụ gia đình không cần trả lương của một người phụ nữ, hay một công việc dành cho những người phụ nữ ở tầng lớp hoặc địa vị thấp kém, thay vì coi đây là một công việc có thể tạo nên thu nhập như những công việc khác. Quan niệm sai lầm này đã làm chậm quá trình công nhận quyền của người giúp việc gia đình, trong luật quốc tế và luật pháp quốc gia. Vào ngày 16/6/2011, công ước đầu tiên công nhận quyền của người giúp việc gia đình đã được thông qua. Hôm nay, chúng ta kỷ niệm thời điểm đó, khi cộng đồng quốc tế cuối cùng đã tích cực thừa nhận “giúp việc gia đình là một nghề”.

Cho đến nay, 14 quốc gia đã đồng ý công nhận những quyền cơ bản của giúp việc gia đình khi thông qua Công ước Số 189 của ILO. Vào dịp kỷ niệm công ước được thông qua, tôi kêu gọi tất cả chính phủ các nước xem xét phê chuẩn Công ước này và bảo vệ giúp việc gia đình trong pháp luật lao động.

Tuy nhiên, bạn không cần đợi chính phủ của mình hành động để nâng cao mức sống của giúp việc gia đình. Nếu bạn thuê một người giúp việc, hãy trao đổi với họ về cách thực hiện Công ước này ngay tại nhà bạn. Hãy công nhận quyền của họ bằng cách cho phép họ nghỉ ngơi trọn 1 ngày mỗi tuần, thời gian làm việc hợp lý và mức lương phù hợp so với lương tối thiểu. Hãy từ chối thuê trẻ em dưới độ tuổi lao động tối thiểu và cho phép những người giúp việc trẻ tuổi được kết hợp vừa làm vừa học. Hãy động viên người giúp việc của bạn tham gia vào mạng lưới hay hiệp hội dành cho những người giúp việc gia đình. Hãy cho phép họ được nghỉ lễ và nghỉ ốm, được tự do đi lại và trả lương bằng tiền mặt. Hãy tôn trọng quyền được riêng tư của người giúp việc và đảm bảo rằng họ được ở trong phòng ngủ riêng có chốt khóa khi họ sống trong nhà bạn.

Tôi cảm phục trước sự dũng cảm của Erwiana. Cô ấy đã đứng lên và đấu tranh cho nhân quyền và nhân phẩm của mình, cho quyền của những người giúp việc khác giống như cô ấy. Đừng để Erwiana đơn độc. Hãy cùng cô ấy đứng lên bảo vệ quyền của người giúp việc gia đình trong chính ngôi nhà và cộng đồng của bạn. Hãy kêu gọi chính phủ của bạn thông qua Công ước và đảm bảo rằng phụ nữ có thể tiếp cận công việc thực sự cần thiết này một cách an toàn và mang lại thu nhập. Nếu chúng ta không thừa nhận giúp việc gia đình như những thành viên trong xã hội với đúng giá trị của họ và bảo vệ họ bằng pháp luật, sẽ còn có bao nhiêu trường hợp giống Erwiana trong tương lai?