Cải cách Bộ luật Lao động

Quốc hội tập trung thảo luận tăng tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm trong Bộ luật Lao động sửa đổi

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội và dự kiến sẽ được các đại biểu thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay

Tin | Ngày 19 tháng 6 năm 2019
HÀ NỘI – Nâng độ tuổi nghỉ hưu và nới rộng khung thời gian làm thêm là những chủ đề chính được các đại biểu quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội vào hôm 13/6.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu, đều lên mức 62 cho nam và 60 tuổi cho nữ. Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Bộ LĐTBXH cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu quá trình già hoá dân số một cách nhanh chóng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ có thêm thời gian để phát triển sự nghiệp khi mà phụ nữ thường sẽ phải chịu gánh nặng kép từ công việc và gia đình. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ giúp cải thiện lương hưu của phụ nữ.

“Tuổi nghỉ hưu hiện tại đã được quy định cách đây gần 60 năm. Hiện tất cả các điều kiện về kinh tế xã hội đều đã thay đổi và đây là thời điểm chín muồi để tăng tuổi nghỉ hưu,” bà Hà cho biết.

Bà Hà cũng nhấn mạnh thêm việc lực lượng lao động Việt Nam sẽ chỉ tăng 200.000 lao động mỗi năm trong vòng 15 năm tới. Do vậy, tăng dần độ tuổi nghỉ hưu sẽ giúp cho Việt Nam đối mặt với việc thiếu hụt lao động trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu nhưng nhấn mạnh việc này cần phải được áp dụng một cách linh hoạt, tạo điều kiện cho người lao động làm trong các ngành nghề độc hại được phép về hưu sớm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà thì không đồng tình với phương án đưa ra vì theo ông Chính phủ cần phải tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và mong muốn của một số lao động lớn tuổi được về hưu sớm khi họ đã làm đủ thời gian để đóng quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian làm thêm

Một trong những thay đổi quan trọng của dự thảo Bộ luật Lao Động là tăng giới hạn khung thời gian làm thêm lên 300-400 tiếng một năm trong một số trường hợp đặc biệt. Hiện nay, một lao động có thể được phép làm thêm giới hạn là 200 tiếng một năm. Trong một số ngành cụ thể như dệt may, da giầy, nuôi trồng thuỷ sản, viễn thông, điện nước, con số này được giới hạn ở mức 300 giờ một năm.

Một số thành viên của Quốc hội phản đối việc nới rộng số giờ làm thêm vì điều này có thể dẫn tới sự mất cân bằng trong cuộc sống. Theo một số ý kiến, Việt Nam nên xây dựng chính sách giúp nâng cao năng suất lao động, giúp người lao động làm việc ít giờ hơn với thu nhập tăng thêm, và có thời gian nghỉ ngơi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc tăng mức giới hạn thời gian làm thêm là đi ngược lại xu thế tiến bộ của xã hội.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện tim Hà Nội, nhấn mạnh rằng quy định mới không cho phép việc lao động bị bắt buộc phải làm thêm giờ. “Bất cứ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ; thêm việc để có thêm thu nhập cho gia đình,” ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh rằng một số công việc như lái xe đường dài và lái máy bay không nên được làm thêm giờ vì công việc này cần đảm bảo an toàn cho nhiều người.

Bộ trưởng Dung cũng khẳng định tăng thời gian làm thêm là nhu cầu có thật. Theo ông, Chính phủ chỉ đề xuất áp dụng quy định này cho một số ngành nghề ở thời điểm nhất định, không áp dụng vào khu vực công.

Các điểm thay đổi quan trọng khác trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi bao gồm người lao động có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ, định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cũng theo dự thảo, phụ nữ không còn bị cấm làm một số loại hình công việc, và sự bảo vệ pháp luật được mở rộng tới người lao động làm thuê không có hợp đồng lao động bằng văn bản.

Ngoài ra, dự thảo cũng có nhiều điểm cải tiến, như bảo vệ tốt hơn để chống phân biệt đối xử đối với công đoàn và can thiệp vào công đoàn, quy trình rõ ràng hơn về thương lượng tập thể, bảo vệ tốt hơn để chống lao động cưỡng bức, và điều khoản rõ ràng hơn về việc thuê lao động chưa thành niên.

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét vào phiên họp cuối năm nay.


_________________
Dự án Chương trình Khung khổ Quan hệ Lao động Mới được tài trợ bởi Bộ Lao động Hoa Kỳ theo thỏa thuận hợp tác số IL-29690-16-75-K-11. Tài liệu này không nhất thiết phản ánh quan điểm hoặc chính sách của Bộ Lao động Hoa Kỳ, và việc viện dẫn tên thương mại, các sản phẩm thương mại hoặc các tổ chức chức cũng không hàm ý sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ. 100% chi phí của dự án hoặc chương trình được tài trợ bởi Quỹ Liên bang, với tổng giá trị là 4 triệu USD.