ILO: Tiếp cận pháp lý vượt ngoài tầm với của người lao động di cư ở Đông Nam Á

Nghiên cứu mới cho thấy người lao động di cư thiếu tiếp cận các biện pháp khắc phục công bằng khi quyền trong lao động của họ bị xâm phạm.

News | 27 July 2017
BANGKOK (Bản tin ILO) – Lao động di cư tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc nộp đơn và giải quyết khiếu nại. Đây là điều ILO chỉ ra trong một nghiên cứu mới về Tiếp cận pháp lý cho người lao động di cư ở Đông Nam Á.

Báo cáo phát hành nhân Ngày Quốc tế phòng chống buôn bán người( 30/7), nhấn mạnh mối liên kết quan trọng giữa việc thiếu các kênh hiệu quả để người di cư tố cáo bị lạm dụng và các trường hợp lao động cưỡng bức và buôn bán người.

Ông Ben Harkins, cán bộ kỹ thuật của Chương trình ILO TAM GIÁC trong ASEAN và là tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Người lao động di cư dễ bị bóc lột hơn do thiếu các phương tiện công bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận để giải quyết khiếu nại/tố cáo”.

Nghiên cứu này dựa trên số liệu các vụ việc khiếu nại do Trung tâm Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài (MRCs) thu thập được từ năm 2011 đến năm 2015. Các thông tin chi tiết về hơn 1.000 trường hợp liên quan đến hơn 7.000 lao động di cư bao gồm phụ nữ và nam giới đã được ghi nhận ở Campuchia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, thiết lập tập dữ liệu khu vực về khiếu nại của người di cư lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Kết quả cho thấy đã có một số tiến bộ trong việc tăng cường tiếp cận công lý cho người lao động di cư trong những năm gần đây. Các biện pháp khắc phục cho lao động di cư trong các trường hợp đã được Trung tâm MRC giải quyết bao gồm 1,62 triệu USD tiền bồi thường.

Các thức khắc phục phổ biến nhất tại các nước


Mặc dù đã có những cải thiện, nhưng lao động di cư tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc nộp đơn và giải quyết khiếu nại ở tất cả các địa điểm được xem xét.

Ở các nước phái cử, chỉ có những vi phạm trắng trợn về quyền của người di cư thường mới được xử lý, như thu phí tuyển dụng cho các công việc không tồn tại. Các hình thức lạm dụng khác khá phổ biến, bao gồm việc thu lệ phí tuyển dụng quá mức quy định của người lao động di cư và phổ biến sai về các điều khoản tuyển dụng, vẫn cứ tiếp diễn mà không bị cản trở.

Tình hình tại các quốc gia tiếp nhận cũng tương tự, ngoài ra còn có thêm các vấn đề về nỗi sợ bị trả thù, những rào cản về thị thực, giấy phép lao động và ngôn ngữ. Do đó, hầu hết lao động di cư thường không dám liều lĩnh tố cáo/khiếu nại trừ phi sinh kế hoặc nhân phẩm cơ bản của họ đang bị đe dọa rõ ràng. Lao động di cư hiểu rõ rằng nộp khiếu nại/tố cáo đồng nghĩa với chấm dứt công việc, và do đó họ không đạt được những cải thiện về tiền lương và điều kiện làm việc lâu dài.

Mặc dù người lao động di cư đã được đền bù cho sự lạm dụng, bóc lột nhưng số tiền này thường ít hơn nhiều so với mong đợi của người khiếu nại.

Ông Harkins cho biết: “Phần lớn các" khoản bồi thường"được trả cho lao động di cư trong các trường hợp khiếu nại mà chúng tôi phân tích chỉ là một phần số tiền khoản lương không được trả và không thực sự đền bù cho thiệt hại phải chịu.”

Những rào cản tiếp cận pháp lý của lao động di cư tại khu vực Đông Nam Á

Có sự khác biệt rõ nét giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận pháp lý khi bị lạm dụng quyền trong lao động. Do tính chất phi chính thức và không được công nhận của phần lớn phụ nữ khi di cư và việc làm trong khu vực, cơ hội vốn đã hạn hẹp lại càng bị thu hẹp đáng kể. Mặc dù đã có những nỗ lực hướng tới nữ lao động di cư ở tất cả các quốc gia nơi có các trung tâm MRC hoạt động, nhưng kết quả cho thấy cơ hội để khiếu nại vẫn còn rất khó khăn ở nhiều nơi.

Nghiên cứu nêu bật vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức công đoàn trong việc chỉ ra nơilao động di cư có thể tìm kiếm sự đền bù, bồi thường. Ông Harkins cho biết: "Các tổ chức này chỉ ra con đường mà hầu hết lao động di cư tìm đến khi họ cần được hỗ trợ."

Đặc biệt đối với nữ lao động di cư, sự tin tưởng nổi trội hơn đối với các dịch vụ của các tổ chức phi chính phủ cho thấy tầm quan trọng của họ trong việc giảm khoảng cách giới trong tiếp cận với pháp lý. Hơn 80 phần trăm phụ nữ được hỗ trợ giải quyết các khiếu nại của họ đã đi theo con đườngcủa các trung tâm MRC do các tổ chức phi chính phủ địa phương quản lý.

Số lượng khiếu nại được giải quyết phân loại theo loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ (%)

Dựa trên việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho hàng nghìn lao động di cư ở Đông Nam Á, nghiên cứu cho thấy rằng có một nhu cầu đối với các biện pháp hỗ trợ, khắc phục công bằng là rất lớn nhưng phần nhiều không được đáp ứng. Hầu hết lao động di cư đang phải đối mặt với tình trạng bóc lột và lạm dụng đều tìm kiếm các giải pháp thiết thực như giải ngân tiền lương chưa thanh toán, di chuyển đến các nước tiếp nhận và trả lại các giấy tờ tùy thân.

Ông Harkins kết luận: "Rõ ràng là những yêu cầu này không được đáp ứng đầy đủ thông qua việc thực thi luật lao động và luật chống buôn bán người hiện nay. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo rằng lao động di cư được cung cấp các biện pháp khắc phục.”


Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ben Harkins
Cán bộ kỹ thuật của Chương trình ILO TAM GIÁC trong ASEAN
Văn phòng Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương của ILO, Bangkok
Email: harkins@ilo.org
Điện thoại: 02 288 2057