Phụ nữ cần được bảo vệ tốt hơn ở nơi làm việc

Bộ Luật Lao động sửa đổi được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục ở nơi công sở, nhưng những quy định trong Bộ luật này vẫn chưa đủ để làm hài lòng lao động nữ.

Tin | Ngày 14 tháng 11 năm 2012

Bộ Luật Lao động sửa đổi được kỳ vọng là một bước tiến quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là sẽ bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục ở nơi công sở, nhưng những quy định trong Bộ luật này vẫn chưa đủ để làm hài lòng lao động nữ.

HÀ NỘI -- Bộ Luật Lao động sửa đổi là một bước tiến quan trọng để bảo vệ phụ nữ ở nơi làm việc nhưng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đưa bình đẳng giới vào thực tiễn, Giám đốc điều hành Khối đối thoại xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Sandra Polaski cho biết.

Bộ Luật Lao động mới (có hiệu lực từ tháng 5/2013) lần đầu tiên nghiêm cấm các hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc.

Theo một báo cáo gần đây do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của ILO, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới. Đây là một nghiên cứu nhanh cung cấp một bức tranh tổng quan đầu tiên về vấn đề khá nhạy cảm này. Theo báo cáo ban đầu, các nạn nhân thường khá trẻ, ở độ tuổi 18 đến 30.

Tuy nhiên, văn hóa Á đông và nỗi lo sợ mất việc đã khiến rất nhiều nạn nhân bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng.

“Thông thường nạn nhân bị quấy rối tình dục không khiếu nại vì họ cảm thấy xấu hổ vì điều đó,” bà Polaski nói. “Các chính phủ, người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn cần tạo một cơ chế an toàn để người lao động có thể khiếu nại, đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện vấn đề.”

Theo bà, Việt Nam cần thêm nhiều số liệu về quấy rối tình dục ở nơi làm việc nói riêng và số liệu về lao động nói chung để giúp hoạch định chính sách tốt hơn.

Bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia các vấn đề về giới thuộc Văn phòng ILO, cho biết trong khi Chính phủ Việt Nam đã luật hoá việc cấm quấy rối tình dục ở nơi làm việc, Bộ Luật Lao động mới vẫn thiếu những định nghĩa về hành vi này.

Bà nói: “Nếu không có định nghĩa rõ ràng, khó thực thi được luật.”

Vụ việc quấy rối tình dục ở nơi làm việc gần đây nhất được đưa trên báo chí xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng vào tháng 7/2012. Một nữ y sỹ tố cáo bác sỹ trưởng khoa Tai-Mũi-Họng cố ý sàm sỡ cô trong ca trực nhưng bác sỹ cho rằng đó không không phải là quấy rối tình dục mà chỉ là “quàng tay lên cổ cho vui”.

Theo ILO, quấy rối tình dục ảnh hưởng xấu đến bình đẳng giới ở nơi làm việc. Năng suất lao động của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi này làm xấu đi các quan hệ lao động.

Nhiều quốc gia trên thế giới coi quấy rối tình dục như một vấn đề nghiêm trọng mà người lao động có thể gặp phải ở nơi làm việc. Một nghiên cứu gần đây ở Thụy Sỹ cho thấy một nửa số người lao động ở nước này có khả năng bị quấy rối tình dục ở công sở. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện ở Trung Quốc năm 2009, cứ một trong năm nữ lao động được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Nước Mỹ chỉ trong năm 2007 cũng nhận được hơn 12.500 đơn tố cáo về quấy rối tình dục liên quan đến công việc.

Bà Polaski khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tăng cường nhận thức cho người dân và thúc đẩy việc thực thi luật để đảm bảo phụ nữ không bị quấy rối tình dục.

Theo bà, đây cũng là những vấn đề cần đặt ra để đưa vào thực tiễn quy định nghỉ thai sản dài hơn và quyền được hưởng mức lương công bằng cho mọi người lao động, bao gồm phụ nữ, như đã đề ra trong Bộ Luật Lao động sửa đổi.

“Chỉ một biện pháp không đủ để đảm bảo bình đẳng giới. Vấn đề này cần được tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau,” bà nói. “Với Bộ Luật Lao động mới, Việt Nam đã có một bước khởi đầu quan trọng, nhưng rõ ràng là, Chinh phủ còn cần phải làm nhiều hơn thế.”