Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư

Việc làm bền vững cho người giúp việc gia đình: Đã đến lúc biến cam kết thành hành động

Tác giả: Bà Tomoko Nishimoto, Phó Tổng Giám đốc ILO và Giám đốc ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Bài phát biểu | Bangkok, Thái Lan | Ngày 25 tháng 10 năm 2017
Thường được gọi là lực lượng lao động vô hình, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương có gần 10 triệu người giúp việc gia đình. Hơn 2 triệu trong số đó là người lao động di cư. Trên thực tế, người giúp việc gia đình chiếm gần 20% tổng số lao động di cư trong khu vực ASEAN. Họ phần lớn là phụ nữ.

Với việc Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư diễn ra từ ngày 25/10 đến 26/10 tại Manila, chủ đề Hướng tới Việc làm bền vững cho người giúp việc gia đình trong khu vực ASEAN đã được chọn để kỷ niệm 10 năm tuyên bố của diễn đàn về bảo vệ và tăng quyền của người lao động di cư.

Sự kiện diễn ra cùng thời điểm với kỷ niệm 6 năm Công ước số 189 của ILO về người giúp việc gia đình. Công ước 189 được thông qua bởi tất cả các nước thành viên của ILO trong năm 2011, chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề. Công ước quy định rằng người giúp việc gia đình làm những công việc chăm sóc cho gia đình trên toàn thế giới, phải có quyền lao động căn bản như các loại hình lao động khác bao gồm: số giờ làm việc hợp lý và mức lương xứng đáng, có ngày nghỉ hàng tuần, được cung cấp thông tin rõ ràng về các điều khoản trong công việc, được tham gia bảo hiểm xã hội và được người khác coi trọng các nguyên tắc cơ bản và các quyền tại nơi làm việc bao gồm quyền tự do liên kết.

Trên thực tế, tại hầu hết các nước thành viên ASEAN, các điều khoản trong luật lao động không áp dụng cho người giúp việc gia đình, và vì thế họ không được hưởng sự bảo vệ dành cho những người lao động khác như bảo hiểm xã hội, mức lương tối thiểu, và giới hạn số giờ làm. Một nghiên cứu mới đã đây chỉ ra rằng 61% người giúp việc gia đình tại Châu Á hoàn toàn nằm ngoài tầm bảo vệ về lao động và chỉ có 3% được hưởng các hình thức bảo vệ như những người lao động khác.

Một báo cáo khác của ILO cũng cho thấy, trên toàn cầu, giúp việc gia đình là một trong những ngành có tỉ lệ lao động cưỡng bức cao nhất. Lao động giúp việc di cư lại càng dễ rơi vào tình cảnh bị bóc lột và lạm dụng, do họ phần lớn phụ thuộc vào người tuyển dụng và người sử dụng lao động, làm việc trong sự cô lập và thiếu các mối quan hệ xã hội. Điều tra gần đây của ILO chỉ ra rằng người lao động giúp việc di cư tại 2 nước ASEAN trung bình làm việc 14 tiếng mỗi ngày, chỉ 40% trong số họ có một ngày nghỉ trong tuần và phần lớn bị trả công dưới mức lương trung bình.

Có một người giúp việc gia đình chăm sóc trẻ nhỏ và người cao tuổi là nhu cầu cần thiết đối với rất nhiều nam giới và phụ nữ theo đuổi sự nghiệp bên ngoài. Theo dự báo, nhu cầu cần người giúp việc gia đình tại ASEAN sẽ ngày càng tăng do dân số già đi, tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng, và sự suy giảm số lượng gia đình đa thế hệ.

Sáu năm sau khi thông qua công ước về người lao động giúp việc gia đình, chỉ có duy nhất một nước trong khối ASEAN, là Philippines, đã phê chuẩn Công ước số 189 của ILO về Lao động giúp việc gia đình, nghĩa là vẫn còn 9 quốc gia ASEAN chưa phê chuẩn.

Công bằng mà nói, từ khi thành lập ASEAN vào năm 1967, Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư lần đầu tiên năm 2007 và sự kiện thông qua công ước về người lao động giúp việc gia đình năm 2011, đã có những tiến bộ nhằm tăng cường bảo vệ người lao động di cư trong khối ASEAN. Những cuộc thảo luận tại Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư cũng đã đóng góp những thành công nhất định.

Tại Diễn đàn lần thứ 10 này, các quan chức cấp cao của các bộ lao động và các bộ ngành liên quan, đại diện của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức xã hội đến từ 10 nước thành viên ASEAN sẽ cùng thảo luận và thông qua một bộ khuyến nghị nhằm hướng tới đạt được việc làm bền vững cho người giúp việc gia đình.

Đã đến lúc tất cả chính phủ các nước ASEAN cùng công nhận giúp việc gia đình là một nghề và đảm bảo luật và chính sách có thể bảo vệ họ như bất kỳ mọi nghề khác.

Đã đến lúc tất cả người sử dụng lao động giúp việc gia đình công nhận rằng lao động gia đình không phải là đầy tớ hay 'thành viên của gia đình' mà là người lao động và phải được hưởng những quyền lao động giống như bất kỳ người lao động nào khác.

Đã đến lúc chúng ta tiếp nối cam kết 50 năm trước, cùng hợp tác vì một tương lai tốt đẹp hơn cho phụ nữ và nam giới. Một tương lai mà việc làm bền vững được hiện thực hóa cho mọi người, bao gồm cả người giúp việc gia đình.