Ngày Di cư Quốc tế

Tuyên bố chung của Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder và Cao uỷ Liên hiệp quốc về Nhân quyền, ông Zeid Ra’ad Al Hussein

Bài phát biểu | Ngày 18 tháng 12 năm 2014
Ngày nay số lượng người di cư quốc tế nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc về Chương trình phát triển sau năm 2015 đã đề cập nội dung “Chúng ta đang ở trong một thế giới dịch chuyển” (Báo cáo với Chủ đề Đường tới Nhân phẩm vào năm 2030, đoạn 30).

Nhưng thực tế đáng buồn là nhiều người di cư vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự bóc lột, phân biệt đối xử và bạo lực trong hành trình di cư của mình. Bắt đầu là việc bị lạm dụng trong quá trình tuyển dụng khi tìm kiếm công việc tử tế ở nước ngoài đến việc bị bạo lực và giam giữ tại cửa khẩu, bị bóc lột, đối xử không công bằng tại nơi làm việc, bị phân biệt, từ chối khi tiếp cận các dịch vụ ở nước tiếp nhận chỉ vì họ là người nước ngoài.

“Một biện pháp quyết liệt nhằm giảm sự bất bình đẳng, đặc biệt những gì đang gây bất lợi đối với người di cư, là thông qua việc bảo vệ nhân quyền và quyền lao động của họ, và đây chính là nền tảng để đưa ra những chính sách di cư công bằng hơn cho tất cả mọi người."
Một trong những nguyên nhân của việc này là các quy định của luật lao động thường ít khi được áp dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề tuyển lao động người di cư như ngành nông nghiệp, xây dựng hoặc giúp việc gia đình. Việc từ chối để người lao động di cư và các thành viên gia đình họ được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế, nhà ở là những hành động thiển cận và phi đạo đức. Bình đẳng và không phân biệt đối xử là những thành tố quan trọng của phát triển bền vững. Không một xã hội nào có thể phát triển được tiềm năng đích thực của mình nếu có những hạn chế về pháp lý, chính trị hoặc xã hội cản trở sự đóng góp cho xã hội của toàn thể các bộ phận người dân trong xã hội đó, gồm cả lao động di cư.

Chương trình phát triển giai đoạn sau 2015 sẽ là một cơ hội quan trọng để tạo ra sự phát triển bền vững và bình đẳng hơn. Để đạt được sự bền vững, công cuộc phát triển phải có sự tham gia của người dân và họ chính là trung tâm của sự phát triển. Tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon đã tuyên bố dứt khoát rằng chương trình phát triển sau 2015 phải không được để bất kỳ người dân nào “tụt lại phía sau” và “phải bao gồm cả người di cư”. Chương trình phát triển này phải giải quyết các vấn đề về sự bất bình đẳng trong tất cả các khu vực và phải được áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế, xã hội. Biện pháp quyết liệt để giảm thiểu sự bất công, đặc biệt những gì đang gây bất lợi đối với người di cư, là bảo vệ nhân quyền và quyền lao động của họ, và đây chính là cơ sở để đưa ra các chính sách di cư bình đẳng hơn.

Năm tới, chúng ta sẽ kỷ niệm 2 bộ công cụ cơ bản, là trọng tâm của các nỗ lực toàn cầu hướng tới sự đối xử binh đẳng. Đó là 25 năm ngày Công ước quốc tế về Bảo vệ Quyền của tất cả Lao động di cư và các Thành viên gia đình của họ (ICRMW) và 40 năm ngày Công ước số 143 của Tổ chức Lao động quốc tế (Điều khoản bổ sung) về Lao động di cư. Đây chính là những công cụ, đưa ra những hướng dẫn để xây dựng và triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm thúc dẩy sự thịnh vượng kinh tế rộng rãi, toàn diện hơn. Hôm nay, nhân Ngày Di cư quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế và Cao uỷ LHQ về Nhân quyền kêu gọi các Quốc gia cùng áp dụng những bộ công cụ này, cũng như tất cả các tiêu chuẩn quốc tế khác về nhân quyền và quyền lao động, để hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo nhân phẩm cho tất cả mọi người, trong đó có người lao động di cư.