Bài phát biểu

Nếu không hành động quyết đoán, những rủi ro từ hội nhập AEC sẽ khiến bất bình đẳng gia tăng

Phát biểu chào mừng của Ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tại Diễn đàn Đối thoại Chính Sách Quốc gia Việt Nam về "Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung"

Bài phát biểu | Hà Nội, Việt Nam | Ngày 04 tháng 9 năm 2014
Kính thưa bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam,
Các đại diện đến từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
Thưa các vị khách quý,

Thay mặt cho Tổ chức Lao động Quốc tế, tôi rất vui mừng được chào đón quý vị đến với diễn đàn đối thoại chính sách quốc gia ngày hôm nay, sự kiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Phát Triển Châu Á và Tổ chức Lao động Thế giới đồng tổ chức. Chúng tôi lấy làm vinh hạnh được chia sẻ báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và giới ngoại giao. Báo cáo là kết quả của sự tham gia và những đóng góp lớn lao của rất nhiều người.

Tôi xin cảm ơn ngân hàng ADB vì sự cộng tác tuyệt vời. Vào tháng 12 năm 2012, Chủ tịch ADB và Tổng Giám đốc ILO đã ký một tuyên bố chung nhằm thúc đẩy việc làm tốt và giải quyết vấn đề nghèo đói, tình trạng việc làm dễ bị tổn thương và phi chính thức trong khu vực. Vào thời điểm đó, ADB và ILO đã cam kết sẽ thực hiện nghiên cứu chung và cùng chia sẻ kiến thức, ví dụ như trong các vấn đề liên quan đến bối cảnh hội nhập khu vực. Tôi rất vui mừng được thấy báo cáo chung này lại một lần nữa trở thành minh chứng cho sự hợp tác giữa hai bên vì mục tiêu chung tiến tới công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Diễn đàn chính sách hôm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi để làm tròn cam kết đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). AEC sẽ được thiết lập chính thức vào cuối năm 2015, và sự kiện này đem lại cả những cơ hội lẫn thách thức cho nền kinh tế năng động của Việt Nam và 90 triệu công dân của đất nước.

Báo cáo của chúng tôi lần đầu tiên cung cấp một nghiên cứu về tác động của AEC đối với các thị trường lao động. Báo cáo này không chỉ giới hạn ở vấn đề thương mại và các số liệu GDP, mà còn cung cấp những phát hiện dựa trên bằng chứng thực tế về tác động của AEC đối với lực lượng lao động tại khu vực ASEAN. Báo cáo sử dụng những công cụ mô phỏng mẫu, các phân tích chính sách, cũng như các cuộc tham vấn với những đơn vị liên quan chủ chốt tại Việt Nam và trên toàn khu vực. Báo cáo không chỉ đề cập đến vấn đề của cả khu vực ASEAN nói chung, mà còn đưa ra không ít dữ liệu và phân tích trên phạm vi từng quốc gia để các nước có thể tham chiếu và rút ra giải pháp chính sách cho mình.

Thưa các vị khách quý,

Nền kinh tế năng động của Việt Nam, với quy mô 170 tỷ USD vào năm 2013, phụ thuộc lớn vào sự hội nhập với các thị trường khu vực và quốc tế. Nhu cầu tiêu thụ toàn cầu có tác dụng thúc đẩy các ngành công nghiệp da giày, dệt may và nông nghiệp của Việt Nam. Ngoại thương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống trong vài thập niên trở lại đây.

Dưới tác động của AEC, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường việc làm và tăng trưởng. AEC sẽ hình thành một nền tảng sản xuất và thị trường chung duy nhất cho cả khu vực. Với dòng đầu tư và thương mại ngày càng tăng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc. Điều này cho phép Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trên cơ sở cải cách và tăng năng suất lao động. Ngược lại, quá trình này sẽ làm tăng thu nhập và tạo ra những triển vọng kinh doanh mới.

Thế nhưng câu hỏi thực sự đặt ra là, việc hội nhập và kết nối trong khu vực sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của người Việt Nam, cũng như toàn thể công dân ASEAN? Sự kiện này sẽ giúp cải thiện mức sống của những người dân bình thường như thế nào? Những biện pháp ấy có giúp họ tìm được một công việc tốt, ổn định đi kèm thu nhập tốt và điều kiện làm việc tốt hay không? Liệu con cái của họ sau này có đạt được điều tương tự hay không?

Đó là những câu hỏi sẽ được các diễn giả và chuyên gia thảo luận một cách toàn diện trong sáng ngày hôm nay. Và tôi rất vui mừng khi báo cáo của chúng tôi đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi trên, đồng thời cung cấp bằng chứng hợp lý làm cơ sở để quý vị cùng thảo luận.

Thứ nhất, điều hiển nhiên là với sự đầu tư và thương mại tự do hơn, AEC có thể đem lại những lợi ích lớn lao. Báo cáo của chúng tôi cho thấy đến năm 2025, AEC có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5%, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới. Sự kiện này sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời làm tăng hơn gấp đôi năng suất lao động trong thập niên tới.

Thế nhưng, những lợi ích chung ấy sẽ không được chia đều cho tất cả. Trong khi một số ngành sẽ trở nên phát đạt thì một số ngành khác lại có thể phải cắt giảm việc làm. Chúng tôi nhìn thấy trước ở Việt Nam sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực.

Song song với những thay đổi ngành nói trên, báo cáo của chúng tôi còn chỉ ra rằng trong giai đoạn 2010-2025, nhu cầu đối với việc làm tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%. Tuy nhiên, những người tìm việc mà thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết thì sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới ấy.

Do đó, trừ khi chúng ta hành động thật quyết đoán, những rủi ro từ hội nhập AEC sẽ khiến cho một bộ phận bị thụt lùi. Tiến trình này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng, và không thể đem lại sự phát triển cân bằng và thịnh vượng chung như triển vọng lúc ban đầu.

Thưa quý vị,

Nhằm đảm bảo tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn đem lại lợi ích cho mọi người dân Việt Nam, chúng ta cần có những chính sách tập trung vào nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất và các ngành nghề dễ có khả năng phải thu hẹp nhất.

Thứ nhất là ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may.

Thứ hai, cần mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn.

Thứ ba, cần củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình.

Thứ tư, các hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn. Điều này góp phần đảm bảo rằng tăng năng suất lao động đi kèm tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời đảm bảo một thị trường nội địa vững mạnh.

Cuối cùng, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao như xây dựng.

Thưa quý vị,

Ngày hôm nay không chỉ là một dịp quan trọng để chúng ta nhìn lại những phát hiện có được từ báo cáo và những khuyến nghị dành cho Việt Nam, mà nó còn đánh dấu một sự khởi đầu mới. Những trao đổi của quý vị sẽ dẫn đường cho hoạt động trong tương lai của ILO trong công tác hỗ trợ Việt Nam và Cộng đồng ASEAN. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội nhằm mục đích thúc đẩy việc làm tốt hơn và sự thịnh vượng chung cho mọi người dân Việt Nam.

Tôi xin chúc quý vị một buổi thảo luận thành công, và tôi mong chờ được nghe những kết quả qua những diễn biến thảo luận hôm nay của quý vị.

Xin cảm ơn.