Diễn đàn Toàn cầu vì một Công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm

Diễn đàn Toàn cầu ILO bế mạc, tiếp tục cam kết thực hiện công cuộc phục hồi ưu tiên con người

Tổ chức Lao động Quốc tế tăng cường hợp tác với một số cơ quan thuộc hệ thống đa phương để khẩn trương giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 gây nên trong và giữa các quốc gia.

Thông cáo báo chí | Ngày 25 tháng 2 năm 2022
© M. Crozet / ILO
GENEVA - Diễn đàn Toàn cầu về Công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức đã khép lại với những cam kết tiếp tục được khẳng định nhằm thúc đẩy công cuộc phục hồi mà ở đó con người được đặt lên trên hết và giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng bởi khủng hoảng COVID-19.

Diễn đàn được tổ chức trong ba ngày (22-24 tháng 2) quy tụ các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ, các nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển đa phương, cùng các lãnh đạo của người sử dụng lao động và người lao động trên khắp thế giới để đề xuất những hành động cụ thể nhằm xây dựng lại tốt hơn và tăng cường mức độ và tính nhất quán trong phản ứng của cộng đồng quốc tế trước sự suy thoái kinh tế và xã hội do đại dịch gây nên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IsDB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cao ủy Châu Âu về Việc làm và Quyền Xã hội, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), UNICEF, Ngân hàng Phát triển Châu Phi (ADB), Tổ chức Nông lương (FAO) và Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Khí hậu và Tài chính đã đưa ra những cam kết hướng đến mục tiêu phục hồi lấy con người làm trung tâm.

Các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước Argentina, Bỉ, Ai Cập, Đức, Indonesia, Jamaica, Mozambique, Hàn Quốc, Samoa, Senegal, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những cam kết này.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, nhấn mạnh “tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng nghiêm trọng thực sự tồn tại trong thế giới việc làm”, mà theo ông là do đại dịch gây nên, “đôi khi rất kinh khủng và rất tàn nhẫn”.

“Chúng ta phải nghiêm túc vực lại khả năng chống chịu trong nền kinh tế của chúng ta và trên toàn thế giới. Và theo tôi, điều đó đòi hỏi chúng ta phải triển khai những cách tiếp cận mang tính tích hợp này trong hoạch định chính sách. Thực sự sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu mỗi một bộ phận trong hệ thống quốc tế tự thực hiện sứ mệnh riêng của mình một cách tách biệt với tất cả những bộ phận còn lại và tất nhiên, đây chính là logic của sự nhất quán trong chính sách,” ông nhận định.

Các phiên chuyên đề trong Diễn đàn đã đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất mà thế giới việc làm đang phải đối mặt; tăng trưởng bao trùm và việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội toàn dân, bảo vệ người lao động và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp, và một quá trình chuyển đổi công bằng sang trung lập các-bon. Diễn đàn bế mạc với phiên thảo luận về cách thức để đạt được sự phục hồi toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tại Diễn đàn, nhiều đại biểu đã đề cập đến tình trạng bất bình đẳng đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch mà Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, đã mô tả trong bài phát biểu khai mạc của mình là một "khoảng cách lớn" giữa và trong các quốc gia đe dọa công cuộc phục hồi kinh tế và việc làm.

“Các quốc gia giàu có hiện đầu tư cho phục hồi bằng một tỷ lệ cao GDP cao hơn nhiều. Khi nhiều nước thu nhập thấp còn bị mắc kẹt bởi nợ nần chồng chất và khan hiếm nguồn lực – do họ là những nạn nhân của hệ thống tài chính toàn cầu đặt lợi nhuận lên trên người dân - thì các nước đang phát triển còn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt việc làm lớn và lâu dài,” ông Guterres nhận định.

Một thông điệp mạnh mẽ từ các diễn giả xuyên suốt Diễn đàn là sự cần thiết phải hành động và cộng đồng quốc tế phải đoàn kết lại để xây dựng lại tốt đẹp hơn. Nhiều đại biểu đã dẫn chiếu đến đường hướng đặt ra trong Lời kêu gọi hành động toàn cầu của ILO, 'chương trình nghị sự chung' của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và Chương trình Tăng tốc toàn cầu của ILO/Liên Hợp Quốc về Việc làm và An sinh xã hội, kêu gọi đầu tư để tạo ra ít nhất 400 triệu việc làm và mở rộng an sinh xã hội cho bốn tỷ phụ nữ, nam giới và trẻ em hiện không thuộc phạm vi được hưởng an sinh xã hội.

Những điểm nổi bật trong kết quả gắn kết chính sách đa phương từ Diễn đàn Toàn cầu bao gồm:
  • Một chương trình đối tác mới giữa ILO và UNDP nhằm xây dựng một lộ trình chung cho Chương trình Tăng tốc toàn cầu về Việc làm và An sinh xã hội, đồng thời khởi động và thực hiện Sáng kiến toàn cầu chung về Thúc đẩy Con đường đến Chính thức hóa.
  • Hợp tác chặt chẽ hơn giữa WHO và ILO nhằm tăng cường mối liên kết giữa ngành y tế và các thiết chế của thế giới việc làm, hướng tới bảo vệ tốt hơn cho người lao động trước những nguy cơ về sức khỏe tâm thần, thương tật và bệnh nghề nghiệp và công tác chuẩn bị cho nơi làm việc sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế.
  • Một thỏa thuận khung mới sẽ được xây dựng với EBRD nhằm tăng cường hợp tác trong các dự án và hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như bình đẳng giới, chuyển đổi công bằng và hành động khí hậu vì việc làm.
  • Một Biên bản Ghi nhớ mới sẽ được ký kết với IsDB để hỗ trợ công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm, trong đó dự kiến hợp tác trong các lĩnh vực như tăng quyền năng kinh tế cho thanh niên, bình đẳng giới, việc làm thỏa đáng trong bối cảnh khủng hoảng và thúc đẩy Hợp tác Tam giác giữa các nước đang phát triển.
  • Tiếp tục mở rộng cam kết của IMF nhằm bảo vệ và ưu tiên chi tiêu xã hội để chống lại “sự phân cực nguy hiểm” trong quá trình phục hồi giữa các quốc gia.
  • Tăng cường hợp tác giữa ADB và ILO nhằm nâng cao năng lực hệ thống an sinh xã hội và tổng hợp dữ liệu, hỗ trợ việc tài trợ cho biến đổi khí hậu của Ngân hàng và dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than.
  • Tăng cường hợp tác giữa OECD và ILO về chuyển đổi công bằng và tăng năng suất.
  • Tăng cường hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Phi trong các lĩnh vực phát triển kỹ năng và việc làm cho thanh niên.
  • Mở rộng hợp tác giữa ILO và UNFCCC để hỗ trợ các quốc gia trong công tác lập kế hoạch chuyển đổi công bằng.
  • UNICEF tăng cường sự tham gia và hợp tác với ILO và đại gia đình Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo tiến độ đạt được trong triển khai an sinh xã hội toàn dân.
  • Cam kết mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới đối với Chương trình Đối tác Toàn cầu vì An sinh Xã hội Toàn dân nhằm đạt được Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (USP2030) do ILO đồng chủ trì.
  • Sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Chương trình Tăng tốc toàn cầu về Việc làm và An sinh xã hội của nhiều quốc gia và tổ chức.
Các đối tác đa phương khác cũng đề cập đến các yếu tố của công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm. Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Khí hậu và Tài chính nhấn mạnh sự cần thiết của một quá trình chuyển đổi lấy con người làm trung tâm để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Cao ủy châu Âu về Việc làm và Quyền xã hội chú trọng đến việc triển khai một phương thức phổ biến mới của Liên minh châu Âu về việc làm thỏa đáng - được định hướng bởi bốn trụ cột của việc làm thỏa đáng của ILO - vì một quá trình chuyển đổi công bằng trên toàn cầu và phục hồi bền vững. FAO cam kết huy động thêm nguồn tài chính để xây dựng các hệ thống an sinh xã hội vững mạnh thông qua quan hệ đối tác hiệu quả và gắn bó và đoàn kết toàn cầu. WTO cũng đề cập đến vai trò thiết yếu của thương mại trong nâng cao mức sống, tạo việc làm thỏa đáng và mang lại lợi ích cho người dân.