Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2020

Báo cáo toàn cầu của ILO: Thách thức về việc làm cho thanh niên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Sự sụt giảm của nhiều chỉ số thị trường việc làm cho thanh niên ở Châu Á – Thái Bình Dương kêu gọi sự cần thiết phải đổi mới chú trọng vào những chính sách thị trường lao động tích hợp, có tính đến yếu tố giới nhằm giải quyết thách thức về việc làm cho thanh niên.

Tin | Ngày 09 tháng 3 năm 2020
BANGKOK – Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nam nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận việc làm thỏa đáng và hiệu quả khi nền kinh tế toàn cầu trì trệ, những căng thẳng thương mại và dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện đang tạo thêm gánh nặng cho hoạt động kinh tế trong khu vực.

Theo báo cáo Xu hướng Việc làm Toàn cầu cho Thanh niên năm 2020 (GET 2020), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương liên tục tăng kể từ năm 2012 và được dự báo tăng lên mức 14,1% vào năm 2020 so với mức 13,7% trên toàn cầu. Trước năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (%)

Số liệu ước tính mô hình hóa của ILO, tháng 11/2019. Thanh niên được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24. (Nguồn: ILOSTAT Tạo dữ liệu bằng Datawrapper)

Số liệu mới nhất cho thấy hầu hết lao động trẻ ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đang làm những công việc phi chính thức, 86,3% dân số thanh niên làm các công việc phi chính thức so với tỷ lệ 67,1% dân số trưởng thành. 

Mặc dù bối cảnh thị trường lao động và những thách thức mà thanh niên phải đối diện trong thị trường lao động trong khu vực khác nhau đáng kể, tỷ lệ thanh niên ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương liên tục tăng kể từ năm 2012. Ước tính tỷ lệ thanh niên trong nhóm này của khu vực là 24,4% năm 2020, so với mức 22,3% trên toàn cầu.

Báo cáo cho thấy nữ thanh niên có khả năng rơi vào nhóm NEET cao gần gấp ba lần so với nam thanh niên. Khoảng cách giới trong tỷ lệ thanh niên trong nhóm NEET đặc biệt lớn ở khu vực Nam Á.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm mà cũng không đang tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET) trong tổng số thanh niên phân theo giới (%) 

Số liệu được cập nhật mới nhất. Thanh niên được định nghĩa là những người trong độ tuổi từ 15 đến 24. (Nguồn: ILOSTAT Tạo dữ liệu bằng Datawrapper)

Ông Felix Weidenkaff, Chuyên gia về Việc làm của ILO, cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu trì trệ và những căng thẳng thương mại là những nhân tố tạo áp lực cho thị trường lao động và triển vọng việc làm cho thanh niên trong khu vực. Diễn biến của những nhân tố này có thể đặc biệt gây bất lợi cho thanh niên do triển vọng việc làm của họ phụ thuộc nhiều hơn vào suy thoái kinh tế so với lao động lớn tuổi hơn”.

“Và mới đây dịch bệnh COVID-19 lại gây gián đoạn đối với các hoạt động kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới, tình hình này đòi hỏi nhiều hơn sự đồng lòng nỗ lực, những chính sách và các chương trình đầu tư tích hợp nhằm hỗ trợ quá trình thanh niên chuyển tiếp sang làm những công việc hiệu quả”, ông Weidenkaff cho biết thêm.

Giáo dục được tăng cường, tỷ lệ người có việc làm nhưng nghèo cùng cực giảm


Tỷ lệ thanh niên có việc làm trên tổng dân số đã giảm hơn năm điểm phần trăm kể từ năm 2012, một phần là do số lượng thanh niên được đào tạo nhiều hơn và ước tính sẽ đạt 32,8% vào năm 2020, thấp hơn mức ước tính toàn cầu là 35,4%.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ người có việc làm nhưng nghèo cùng cực tiếp tục giảm trong những năm gần đây từ 13,9% năm 2012 xuống còn 5,8% năm 2020, đây là xu hướng chủ yếu ở khu vực Đông Á và Trung Quốc.

Tác động toàn cầu của công nghệ


Báo cáo cho thấy thanh niên có việc làm trên toàn cầu phải đối diện với nguy cơ mất việc do tự động hóa lớn hơn so với lao động lớn tuổi và những người tốt nghiệp trường đào tạo nghề là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.

Theo trích dẫn từ báo cáo, “điều này thể hiện những kỹ năng nghề chuyên ngành được đào tạo có xu hướng nhanh lỗi thời hơn so với những kỹ năng đào tạo cơ sở”. Báo cáo đặt ra vấn đề là các chương trình đào tạo nghề cần phải được điều chỉnh và cập nhật để có thể đáp ứng những yêu cầu liên tục thay đổi của nền kinh tế số.

Báo cáo cho thấy những người tốt nghiệp trình độ giáo dục đại học thì ít có nguy cơ công việc của họ bị thay thế bởi tự động hóa. Tuy nhiên, họ phải đối diện với những vấn đề khác do số lượng thanh niên có trình độ giáo dục đại học ngày càng tăng sẽ vượt quá nhu cầu lao động phổ thông, dẫn đến việc đẩy mức tiền lương của lao động phổ thông giảm đi.

Ông Sukti Dasgupta, Trưởng ban Chính sách Việc làm và Thị trường Lao động thuộc Vụ Chính sách Việc làm của ILO, cho biết: “Không tạo đủ việc làm cho những thanh niên này đồng nghĩa với việc tiềm năng của hàng triệu con người chưa được khai thác đúng mức”.

“Chúng ta không thể lãng phí tài năng hay lơ là việc đầu tư vào sự nghiệp giáo dục nếu chúng ta muốn ứng phó được những thách thức mà công nghệ, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nhân khẩu học đặt ra. Chúng ta cần có những khung chính sách tích hợp và những hệ thống đào tạo chủ động thích ứng được xây dựng trên cơ sở đối thoại giữa các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động”.