Lao động và thương mại

ILO: Các điều khoản về lao động trong hiệp định thương mại không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp

Báo cáo mới của ILO đánh giá tác động của số lượng ngày càng tăng các điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại tới lao động việc làm.

Thông cáo báo chí | Ngày 18 tháng 7 năm 2016

HÀ NỘI - Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các điều khoản về lao động (*) không làm suy giảm hoặc thay đổi dòng chảy thương mại, mà thậm chí còn gia tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động.

Nghiên cứu cho thấy trên thực tế, trung bình một hiệp định thương mại có bao gồm các điều khoản về lao động tăng giá trị thương mại lên 28%, so với mức tăng 26% của một hiệp định không có điều khoản lao động.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các điều khoản về lao động hỗ trợ việc tiếp cận thị trường lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ trong độ tuổi lao động. Các điều khoản về lao động ảnh hưởng tích cực tới tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (giúp tăng tỷ lệ dân số cả nam và nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động).

Đó là những kết quả chính trong báo cáo của ILO về Tăng trưởng và Công bằng với tựa đề "Đánh giá tác động của các điều khoản lao động trong các thỏa thuận thương mại và đầu tư". Báo cáo phân tích quá trình thiết kế, thực hiện và kết quả đạt được của những điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại.

Báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về số lượng các hiệp định thương mại trên toàn thế giới. Trong năm 2014 gần 55% khối lượng xuất khẩu nằm trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong khi đó con số này vào năm 1995 chỉ là 42%.

"Ngày càng nhiều các hiệp định thương mại mới có bao gồm các điều khoản về lao động," Bà Marva Corley, chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO và là tác giả chính của báo cáo cho biết.

"Cho đến tháng 12/2015, đã có 76 hiệp định thương mại (bao trùm 135 nền kinh tế) có bao gồm các điều khoản về lao động, và gần một nửa được hoàn tất sau năm 2008. Hơn 80% số hiệp định có hiệu lực từ 2013 có những điều khoản về lao động," bà nói.

Hiện nay, một phần tư giá trị thương mại của các hiệp định thương mại nằm trong phạm vi của những điều khoản trên. Đây là điều gần nhưng không tồn tại trước thời điểm giữa những năm 1990.

Thu hẹp khoảng cách giữa tác động kinh tế và xã hội

Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng tác động của thương mại lên thị trường lao động vẽ nên một bức tranh nhiều màu sắc, đặc biệt khi xét đến vấn đề chất lượng việc làm và tăng lương. Báo cáo khẳng định một thực tế rằng bất công bằng thu nhập có xu hướng bị nới rộng kể từ những năm 1980 – một phần hậu quả của quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư.

Báo cáo nhìn nhận: "Những bên hưởng lợi từ thương mại đã không đền bù thỏa đáng cho những người bị ảnh hưởng tới việc làm và giảm thu nhập".

Nhìn từ bản chất của các điều khoản về lao động, các tác giả nhận thấy trong đại đa số các trường hợp, các hiệp định thương mại có bao gồm các điều khoản về lao động thường dựa trên cam kết không hạ thấp các tiêu chuẩn lao động hoặc đi ngược lại pháp luật lao động để tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, các hiệp định này còn hướng tới đảm bảo pháp luật lao động quốc gia được thực thi hiệu quả và đồng nhất với các tiêu chuẩn lao động đã có sẵn. 72% số điều khoản lao động liên quan tới thương mại có tham chiếu đến các tiêu chuẩn của ILO.

Sự vào cuộc các đối tác xã hội và vai trò của ILO

Trong quá trình tìm hiểu làm thế nào để các điều khoản về lao động đạt được hiệu quả hơn nữa, nghiên cứu của ILO gợi ý rằng các cuộc đàm phán thương mại cần minh bạch hơn bằng cách để những bên liên quan, đặc biệt là các đối tác xã hội - không chỉ chính phủ - tham gia vào quá trình soạn thảo và thực hiện các điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại.

Nhìn nhận các kết quả về thị trường lao động, báo cáo nhấn mạnh mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa cải cách pháp lý, xây dựng năng lực và cơ chế giám sát. Ngoài ra, đối thoại xã hội giữa chính phủ và các đối tác xã hội đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này.

Cuối cùng, các tác giả chỉ ra rằng, nếu được huy động hiệu quả, khả năng chuyên môn của ILO có thể hỗ trợ xây dựng các điều khoản về lao động hiệu quả hơn, ví dụ như tăng cường sự đồng bộ giữa các điều khoản về lao động và hệ thống tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chính sách của ILO kết luận: "Các xu hướng được chỉ ra trong báo cáo này và sự tiếp tục mở rộng của bất bình đẳng thu nhập nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về các điều khoản cụ thể trong hiệp định thương mại và ảnh hưởng của chúng lên các tiêu chuẩn lao động, cũng như vai trò của ILO có thể đóng góp trong lĩnh vực này."

Việt Nam: các điều khoản về lao động trong các hiệp định thương mại

Trong số 16 hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm một loạt các điều khoản rõ ràng liên quan đến lao động.

Tháng 2/2016, 12 quốc gia nằm trên vành đai Thái Bình Dương đã cùng ký kết để xác thực lời văn của TPP. Hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ tại các nước thành viên.

TPP không không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng, đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vừa hoàn tất đàm phán trong tháng 12/2015 cũng bao gồm các điều khoản về lao động. Hiệp định này yêu cầu các bên thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và các Công ước của ILO đã ký kết, và yêu cầu các bên tham gia các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi bên chưa tham gia.

Các công ước cơ bản của ILO và việc phê chuẩn của Việt Nam

Quyền tự do liên kết và việc công nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể
  • Công ước về quyền tự do liên kết và Bảo vệ quyền được tổ chức, 1948 (Số 87) (chưa phê chuẩn)
  • Công ước về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, 1949 (Số 98) (chưa phê chuẩn)
Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc
  • Công ước về lao động cưỡng bức, 1930 (Số 29) (phê chuẩn năm 2007)
  • Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105) (chưa phê chuẩn)
Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em
  • Công ước về tuổi tối thiểu được đi làm việc, 1973 (Số 138) (phê chuẩn năm 2003)
  • Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 182) (phê chuẩn năm 2000)
Xóa bỏ phân biệt trong việc làm và nghề nghiệp
  • Công ước về trả công bình đẳng, 1951 (Số 100) (phê chuẩn năm 1997)
  • Công ước về phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958 (Số 111) (phê chuẩn năm 1997)

Để biết thêm chi tiết về các công ước của ILO và việc phê chuẩn của Việt Nam, xin truy cập ILO website .




(*) : Các điều khoản về lao động trong thương mại xem xét tất cả các tiêu chuẩn liên quan tới quan hệ lao động hoặc điều kiện làm việc tối thiểu, các cơ chế giám sát hoặc tăng cường tuân thủ pháp luật, và/hoặc khuôn khổ hợp tác. Định nghĩa này bao phủ một số lượng lớn điều khoản về lao động.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Trần Quỳnh Hoa
Cán bộ truyền thông
Văn phòng quốc gia ILO tại Việt Nam
48-50 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
ĐT: (84-4) 37340907 Ext.116
Fax: (84-4) 37340904
DĐ: (84) 904 409 787
Email: hoahancom@ilo.org