Lao động Trẻ em

Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam”

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ILO và các bên liên quan tại Việt Nam làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em vào năm 2020

Thông cáo báo chí | Ngày 20 tháng 11 năm 2015
Hà Nội - Ngày 20 tháng 11 năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL) phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam”. Tham dự Hội nghị có bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam và đại diện các cơ quan trung ương và địa phương liên quan đến dự án.

Mục tiêu tổng quát của Dự án là hỗ trợ việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em của Việt Nam. Thông qua mục tiêu này, dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết theo như Tuyên bố của ILO đã được thông qua tại Hội nghị lao động Quốc tế vào ngày 18/6/1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Trong dự án này, USDOL tài trợ 8 triệu đô la Mỹ thông qua ILO, Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,2 triệu đô la Mỹ. Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ quản dự án, ILO là cơ quan điều hành dự án, cùng triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019. Dự án sẽ xây dựng và củng cố nỗ lực toàn diện, có hiệu quả với sự tham gia của nhiều bên liên quan để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam. Với trọng tâm là nâng cao năng lực để có được những giải pháp bền vững, dự án sẽ thực hiện các hoạt động can thiệp thông qua ba hợp phần chính dưới đây để đạt được các mục tiêu đã thống nhất:
  1. Hợp phần xây dựng năng lực: Nâng cao năng lực của các cơ quan Việt Nam và các tổ chức liên quan trong việc xác định và giải quyết vấn đề lao động trẻ em như một phần trong nỗ lực thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.
  2. Hợp phần nâng cao nhận thức: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lao động trẻ em, các mối nguy hiểm liên quan và quy định cấm lao động trẻ em.
  3. Hợp phần can thiệp trực tiếp: Xây dựng, tài liệu hóa và nhân rộng các mô hình can thiệp lồng ghép theo địa lý và theo lĩnh vực nghề nghiệp nhằm phòng ngừa và đưa trẻ em tránh khỏi các nguy cơ hoặc các hình thức lao động tồi tệ nhất.
Lao động trẻ em có những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về tâm lý và sức khỏe của trẻ em, hạn chế cơ hội đến trường của các em và ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm bền vững trong tương lai. Kết quả báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp Bộ LĐTBXH và ILO thực hiện cho thấy Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi.
Dự án này sẽ được triển khai tại các vùng địa lý và lĩnh vực nghề nghiệp trọng điểm sau: Ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp và thủy sản tại tỉnh An Giang, ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội.

Bà Đào Hồng Lan cho biết trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách vững chắc để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Việt Nam đã thực hiện một số chương trình, dự án cấp trung ương và địa phương để giảm thiểu lao động trẻ em. Mặc dù đã có những nỗ lực như vậy, lao động trẻ em vẫn còn ở một số nơi, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng khẳng định Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp chặt chẽ với ILO và các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức liên quan triển khai dự án này theo các mục tiêu về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Mark Mittelhauser – Phó Thứ Trưởng phụ trách quan hệ quốc tế, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết khi làm việc cùng với Bộ LĐTBXH và ILO, USDOL mong muốn hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để giải quyết lao động trẻ em một cách hiệu quả nhất. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng USDOL chia sẻ cam kết chung này nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực để bảo vệ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thúc đẩy các cơ hội cho gia đình các em.

Ông Chang-Hee Lee chia sẻ lao động trẻ em rất phức tạp, đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện liên quan đến những nỗ lực hành động không ngừng bao phủ nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau. Điều quan trọng là cần thay đổi quan niệm, thúc đẩy hành động của mọi người trong xã hội để xóa bỏ lao động trẻ em và các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Giám đốc ILO khẳng định ILO cam kết phối hợp với Bộ LĐTBXH triển khai dự án nhằm nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam.
Dự án sẽ hỗ trợ cho khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia vào lao động trẻ em thông qua việc cung cấp các dịch vụ giáo dục hoặc cải thiện điều kiện làm việc đối với trẻ em đã đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 hộ gia đình khó khăn, có nguy cơ có lao động trẻ em hoặc đang có con em tham gia lao động sẽ được hỗ trợ để cải thiện sinh kế thông qua phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị hoặc mở rộng các cách tiếp cận giúp gia tăng giá trị sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu thụ. Hàng nghìn trẻ em và hộ gia đình khác cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án khi nhận thức và năng lực của các bên liên quan đến giải quyết lao động trẻ em được nâng cao./.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ông Minoru Ogasawara
Cố vấn trưởng
Văn phòng ILO tại Việt Nam
Địa chỉ: 48-50 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
Website: /hanoi
Điện thoại: +84 4 3734 0907
Email: ogasawara@ilo.org

Bà Vũ Thị Kim Hoa
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Địa chỉ: 35 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội
Website: http://treem.gov.vn
Điện thoại: +84 4 3747 5629
Email: vukimhoa67@gmail.com