Châu Á - TBD: chất lượng và số lượng việc làm đều giảm

Tăng trưởng chậm ở nhiều quốc gia châu Á đã làm trầm trọng thêm các thách thức về thị trường lao động ở một khu vực có quy mô dân số trẻ lớn nhất thế giới, nơi tràn lan việc làm bấp bênh.

Thông cáo báo chí | Ngày 22 tháng 10 năm 2012

HÀ NỘI – Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới thị trường lao động cả về số lượng cũng như chất lượng việc làm, một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố sáng nay tại Hà Nội cho thấy.

Báo cáo Thị trường Lao động Châu Á-TBD tháng 10/2012 chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm ở khu vực đã chậm lại so với năm 2011, mặc dù tình hình có khác nhau ở các nước khác nhau.

Chẳng hạn, trong khi Indonesia, Philippines, Australia, New Zealand và Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng việc làm, thì số lượng việc làm mới lại tăng ở Hàn Quốc và, ở một cấp độ thấp hơn, Singapore và Thái Lan.

Những số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp khoảng dưới 5% ở các nền kinh tế châu Á. Hiện tại không có dấu hiệu tình hình sẽ thay đổi vào năm 2013.

Một thách thức lớn hơn đối với khu vực, đặc biệt ở các nước đang phát triển, chính là chất lượng công việc không đảm bảo (lương thấp, thiếu các quyền và lợi ích của người lao động).

Cứ khoảng 4 trong số 5 công nhân ở Nepal, Ấn Độ và Pakistan hiện đang làm việc ở khối phi chính thức ngoài nông nghiệp. Ở Indonesia, Philippines và Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 70%. Rất nhiều trong số họ là phụ nữ.

“Cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tạo thêm việc làm chất lượng tốt hơn để tái khởi động sự tang trưởng và phát triển bền vững,” Giám đốc Quốc gia ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho biết. “Các sáng kiến mới cần tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để tạo việc làm và tăng năng suất lao động về dài hạn, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và mở rộng độ bao phủ của các loại hình bảo hiểm xã hội, đặc biệt ở khu vực châu Á đang phát triển.”

Tương lai ảm đạm cho thanh niên

Triển vọng thị trường lao động cho thanh niên (15-24 tuổi) vẫn là một màu ảm đạm ở nhiều khu vực của châu Á-TBD, nơi có quy mô dân số trẻ lớn nhất thế giới.

Cứ 1 trong 6 thanh niên bị thất nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quóc), Philippines và New Zealand. Ở Indonesia, tỷ lệ này là 1/5.

Thanh niên cũng chiếm tới 60% số người thất nghiệp ở Samoa và 50% ở Vanuatu. Ở Quần đảo Marshall, số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Một thách thức lớn đối với các công ty, người lao động và chính phủ là sự khập khiễng giữa các kỹ năng của người lao động và nhu cầu của thị trường lao động. Chẳng hạn, ở Malaysia có 340.000 người tìm việc trong tháng 7/2012 nhưng chỉ 1.700 người tìm được việc, còn 153.000 vị trí không tuyển được người.

Chuyên gia kinh tế lao động của ILO Bangkok Phú Huỳnh, một trong những tác giả của bản báo cáo, nói: “Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần ưu tiên cải tổ hệ thống giáo dục và dạy nghề để đảm bảo một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hệ thống này và các ngành kinh tế.”

Ông đồng thời cũng nhấn mạnh tới nhu cầu cần đẩy mạnh những dịch vụ việc làm cụ thể, thông tin thị trưởng và hệ thống thực tập, thực hành giúp thanh niên được chuẩn bị tốt hơn khi bước vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, thất nghiệp và thiếu hụt các kỹ năng cần thiết chỉ là hai mặt của một vấn đề lớn, bởi số lượng thanh niên đang phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo với mức lương quá thấp còn cao hơn nhiều so với số lượng thanh niên thất nghiệp.

Tấm thảm kịch ở một nhà máy dệt ở Pakistan gần đây là một ví dụ đau lòng minh chứng cho thực tế này.

“Trừ phi châu Á tận dụng được nguồn lực tiềm tàng của các thanh niên nam nữ, tham vọng vươn tới sự thịnh vượng và phát triển vẫn còn là một mục tiêu xa vời,” ông Sziraczki nói.

Việc làm cho thanh niên cũng là một chủ đề chính sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động Á-Âu ASEM lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội ngày 25-26/10/2012.

Click vào đây để xem tin gốc.

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Trần Quỳnh Hoa

Cán bộ truyền thông

Văn phòng quốc gia ILO tại Việt Nam

48-50 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

ĐT: (84-4) 37340907 Ext.218

Fax: (84-4) 37340904

DĐ: (84) 904 409 787

Email: mailto:hoahancom@ilo.org