Mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em

Ngày 10 tháng 6 năm 2011 tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12 tháng 6 hàng năm) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về các chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Việt Nam.

Thông cáo báo chí | Ngày 10 tháng 6 năm 2011

ILO Hà Nội - Ngày 10 tháng 6 năm 2011 tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12 tháng 6 hàng năm) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội về các chiến dịch chấm dứt lao động trẻ em trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại Việt Nam.

Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2011 kêu gọi nỗ lực toàn cầu đối với vấn đề trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đồng thời kêu gọi hành động khẩn cấp để xoá bỏ vấn nạn này. Theo thống kê của ILO, trên thế giới hiện có 215 triệu lao động trẻ em, trong đó có 115 triệu em đang làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bản thân các công việc này hoặc cách thức thực hiện các công việc này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn và đạo đức của các em. Đối với một số trường hợp, những công việc này còn đe doạ đến tính mạng các em.

Với chủ đề “Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm – Hãy chấm dứt lao động trẻ em!”, ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em ở Việt Nam hướng tới kết nối các hoạt động của quốc gia và ở địa phương với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở trên khắp thế giới để tạo nội lực và đẩy mạnh phong trào toàn cầu trong phòng chống lao động trẻ em đặc biệt trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và kêu gọi những hành động cấp bách để giải quyết vấn nạn này.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2011, Việt Nam tổ chức một chiến dịch truyền thông bao gồm các hoạt động như Cuộc thi vẽ tranh cho các em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở ở 5 tỉnh thực hiện thí điểm dự án phòng, chống lao động trẻ em là Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai; xây dựng và phát sóng trên truyền hình các phóng sự, thông điệp về vấn đề lao động trẻ em; tổ chức một gameshow Chiếc nón kỳ diệu phát trên truyền hình quốc gia để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã phát biểu khai mạc Lễ mít-tinh ngày 10 tháng 6 năm 2011, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs-Kjeldgaard và Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio Ruigumez, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu tham gia tọa đàm về vấn đề lao động trẻ em. Các vị lãnh đạo trên đã cùng trao giải thưởng cho các em đoạt giải trong Cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm – Hãy chấm dứt lao động trẻ em!”. Cũng tại Lễ mít-tinh, chiến dịch 5000 chữ ký cam kết hành động hướng tới mục tiêu 5000 trẻ em được ra khỏi điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được phát động.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Vấn đề lao động trẻ em không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề lao động trẻ em cũng không chỉ bằng một biện pháp, một chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ lao động trẻ em và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực và bóc lột lao động trẻ em để không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau.”

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Rie Vejs-Kjeldgaard chia sẻ: “Tất cả trẻ em đều đáng được và cần phải được hưởng một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này chỉ được thực hiện khi tất cả trẻ em đều có điều kiện đi học đầy đủ, được giáo dục và được hưởng các dịch vụ xã hội thiết yếu. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa vấn đề quan trọng này vào các chương trình, chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục nâng cao năng lực ở cấp quốc gia trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã được phê duyệt và để đảm bảo mọi trẻ em được đến trường và hưởng các các dịch vụ xã hội.”

Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio Ruigumez nói: “Tây Ban Nha đã tài trợ cho các sáng kiến của Chương trình Quốc tế ILO về xoá bỏ lao động trẻ em (IPEC) từ năm 1995. Chương trình được bắt đầu từ Mỹ Latinh với sự tham gia của khoảng 18 quốc gia và sau đó chương trình hợp tác phát triển của Tây Ban Nha nhằm xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được mở rộng sang các nước Tây Phi và ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.”

Thông tin cơ bản:

Định nghĩa lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

  • Công việc lạm dụng trẻ về thể chất, tinh thần và tình dục.
  • Làm việc dưới lòng đất, dưới nước, ở độ cao nguy hiểm hoặc ở những chỗ không chắc chắn.
  • Làm việc với các loại dụng cụ, thiết bị và máy móc nguy hiểm hoặc phải mang vác vật nặng.
  • Làm việc trong các môi trường có hại cho sức khoẻ như làm việc với hoá chất, các quy trình Xử lý độc hại, làm việc ở mức nhiệt độ, tiếng ồn, độ rung có thể tác động xấu đến sức khoẻ.
  • Làm việc trong những điều kiện đặc biệt khó khăn như làm việc trong nhiều giờ, ban đêm hoặc làm việc ở những địa điểm không có chủ lao động quản lý.

Dự án Lao động Trẻ em của ILO ở Việt Nam

Vào tháng 3 năm 2010, ILO khai trương dự án thực hiện trong 4 năm nhằm hỗ trợ xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Dự án được thực hiện bởi Chương trình quốc tế của ILO về Xóa bỏ lao động trẻ em (IPEC) phối hợp với Bộ LĐTBXH và thông qua tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID).

Mục đích của dự án là đẩy mạnh các hoạt động ngăn ngừa và tiến tới xoá bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam. Dự án được thực hiện trên toàn quốc và chương trình hành động thí điểm hướng đến khoảng 5000 trẻ em và thanh thiếu niên đang tham gia vào các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất ở 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam và Đồng Nai.

IPEC và Bộ LĐTBXH cùng với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội đã và đang phối hợp để xoá bỏ những hình thức lao động tồi tệ nhất ở Việt Nam. IPEC luôn thực hiện hoạt động của mình thông qua hợp tác với các cơ quan đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động. Chiến lược chủ chốt của IPEC là đẩy mạnh và sử dụng các cơ hội đối thoại để gây ảnh hướng về phát triển và cải cách chính sách trong các lĩnh vực như việc làm, thương mại, giáo dục và phúc lợi xã hội.

Để có thêm thông tin, xin liên hệ:

Chị Lê Thị Hương Liên

Cán bộ Truyền thông, Văn phòng ILO tại Việt Nam

Email